Trong những năm gần đây, cụm từ “cổng thanh toán trực tuyến” ngày càng xuất hiện phổ biến trong đời sống hàng ngày. Thói quen mua sắm online, thanh toán online ngày càng tăng nên các cổng thanh toán trở thành công cụ hỗ trợ tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ cổng thanh toán là gì và lợi ích khi sử dụng cổng thanh toán trực tuyến ra sao? Hãy cùng Haravan cập nhật ngay các kiến thức hữu ích qua bài viết sau.
1. Cổng thanh toán trực tuyến là gì?
Cổng thanh toán là gì?
Cổng thanh toán trực tuyến là một dịch vụ trung gian kết nối giữa ngân hàng, người mua và người bán với mục đích cuối cùng là giúp cho người bán nhận được tiền từ tài khoản người mua sau khi giao dịch được thực hiện thành công.
Ví dụ như khi mua hàng trực tuyến, thay vì việc khách hàng đưa tiền mặt để trả cho người bán thì họ có thể lựa chọn thanh toán qua các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thẻ nội địa,... hoặc các hình thức thanh toán khác. Cổng thanh toán điện tử chính là cầu nối để nhận tiền từ tài khoản khách hàng và chuyển lại cho người bán.
Cổng thanh toán điện tử hoạt động theo 3 bước sau:
Ủy quyền: Xác minh các thông tin thẻ ATM/ thẻ tín dụng của khách hàng.
Thanh toán: Khách hàng tiến hành thanh toán hóa đơn mua hàng online bằng các thẻ ATM nội địa/ thẻ quốc tế/ ví điện tử,... Số tiền đó sẽ được chuyển từ tài khoản người mua sang tài khoản người bán.
Báo cáo: Lưu lại chi tiết thông tin giao dịch đã thực hiện.
Các đơn vị cung cấp giải pháp cổng thanh toán được gọi là Payment Service Provider (PSP). Các nhà bán hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua cổng điện tử không cần phải kết nối với các ngân hàng và chỉ cần sử dụng dịch vụ do đơn vị PSP cung cấp. PSP sẽ có trách nhiệm kết nối và xác nhận thanh toán qua ngân hàng cũng như các phương thức khác được khách hàng sử dụng.
> Xem thêm: Tìm hiểu thanh toán bằng mã QR và cách sử dụng để kinh doanh hiệu quả
2. Đặc điểm của cổng thanh toán trực tuyến
Cổng thanh toán trực tuyến là một trong những thành phần quan trọng của hệ thống thanh toán điện tử. Công nghệ này đảm nhận nhiệm vụ gửi các thông tin của khách hàng đến ngân hàng để xử lý các giao dịch được yêu cầu.
Đặc điểm của cổng giao dịch online
Trước đây, khi thanh toán điện tử, các máy POS sẽ cho phép quét các thẻ tín dụng có tích hợp dải từ đồng thời yêu cầu chữ ký trên giấy từ phía khách hàng. Ngày nay, công nghệ chip phát triển, công đoạn lấy chữ ký trên giấy được bỏ đi, thay vào đó là việc sử dụng mã PIN nhập trực tiếp khi thanh toán qua cổng.
Cấu trúc của cổng thanh toán điện tử sẽ khác nhau, tùy vào đặc điểm đó là cổng thanh toán trực tiếp hay gián tiếp. Cổng thanh toán trực tiếp tại các cửa hàng sẽ sử dụng máy POS để kết nối với hệ thống thanh toán điện tử qua Internet hoặc đường dây điện thoại. Còn cổng thanh toán trực tuyến sẽ được thiết kế theo giao diện lập trình ứng dụng trên website để cho phép kết nối với mạng thanh toán cơ bản.
3. Chức năng của cổng thanh toán online
Như đã nêu ở trên, cổng thanh toán trực tuyến là một công cụ hỗ trợ việc xác nhận và xử lý giao dịch giữa người mua với người bán qua tài khoản số, cụ thể:
Xác nhận các thông tin về khách hàng và số tiền thanh toán được yêu cầu.
Xử lý thông tin trực tiếp trên Cổng thanh toán.
Kết nối và xử lý giao dịch tại ngân hàng được kết nối với tài khoản thanh toán.
Thông báo kết quả giao dịch và ghi lại thông tin giao dịch trên website.
Sự phát triển của hình thức kinh doanh trực tuyến góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng cổng thanh toán của người dùng. Đây cũng là một tín hiệu tốt đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Người mua hàng có thể giao dịch thông qua Internet thông minh một cách nhanh chóng, chính xác và đảm bảo tính bảo mật cao.
4. Lợi ích từ cổng thanh toán trực tuyến
Cổng thanh toán trực tuyến là một thành phần quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử ngày nay. Nó có vai trò to lớn trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Nói về lợi ích mang lại của cổng thanh toán phải kể đến các mặt sau.
4.1. Thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp dòng chảy thị trường
Thanh toán online nhanh chóng, tiện lợi
Nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, việc cách trở về địa lý, thời gian mua hàng không còn là vấn đề lớn khi hình thức thanh toán trực tuyến ra đời. Người mua hàng dễ dàng sử dụng tài khoản thanh toán thông qua cổng điện tử để chi trả cho các hóa đơn mua hàng, dịch vụ giải trí, hóa đơn điện nước, du lịch,... Chỉ với một thiết bị di động có kết nối Internet là bạn đã có thể thanh toán các hóa đơn một cách nhanh chóng, tiện lợi.
Cổng thanh toán điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống, nó đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Với xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, việc sử dụng cổng thanh toán trong thói quen tiêu dùng là cách làm thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.
4.2. Dễ dàng kiểm soát, độ an toàn cao
Tất cả các thông tin giao dịch của khách hàng với người bán đều được lưu lại trên hệ thống đầy đủ và chi tiết. Từ đó khách hàng có thể dễ dàng theo dõi hoạt động chi tiêu của mình. Đồng thời, các cơ quan quản lý thuế và cơ quan chức năng khác cũng có căn cứ cụ thể để quản lý chặt chẽ các giao dịch của phía cá nhân, doanh nghiệp.
Việc sử dụng tài khoản số thanh toán qua cổng điện tử cũng giúp người dùng quản lý tiền bạc một cách an toàn hơn. Thay vì phải lo lắng bị rơi hoặc đánh cắp mỗi khi mang theo tiền mặt thì việc thanh toán qua cổng điện tử giúp bạn kết nối với tài khoản ngân hàng nhanh chóng với độ bảo mật cao.
4.3. Chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh
Kinh doanh online đang là xu hướng của thị trường hiện nay cũng như tương lai. Việc người bán hàng thiết lập thanh toán qua cổng điện tử sẽ mang lại rất nhiều tiện lợi để thúc đẩy hoạt động kinh doanh cũng như thể hiện sự chuyên nghiệp của mình.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh khi thanh toán online
Các nền tảng thương mại điện tử hiện nay hầu hết đều tích hợp chức năng thanh toán qua cổng trực tuyến. Người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn các hình thức thanh toán online phù hợp từ các nhà bán hàng.
4.4. Hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt
Hiện nay, Chính phủ đang phấn đấu đẩy mạnh hoạt động của cổng thanh toán và hạn chế sử dụng tiền mặt. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích to lớn nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tổn thất không mong muốn cho người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn.
5. Top các cổng thanh toán trực tuyến phổ biến nhất hiện nay
Dưới đây là top các cổng thanh toán trực tuyến hiện đang được dùng phổ biến nhất hiện nay.
5.1. Cổng thanh toán Momo
Momo là ví điện tử được cấp phép và quản lý bởi ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện đang có hơn 1 triệu khách hàng sử dụng. Momo là đối tác chiến lược của nhiều ngân hàng lớn trong nước như VPBank, Vietcombank, OCB, Vietinbank và các đối tác thẻ Visa/Master/JCB. Sử dụng cổng thanh toán Momo bạn có thể:
Nạp tiền điện thoại, thanh toán các hóa đơn điện nước, Internet, truyền hình cáp, các khoản vay tiêu dùng... nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc mọi nơi.
Chuyển tiền đến mọi ngân hàng siêu nhanh, không mất phí, chỉ với số tài khoản hoặc số thẻ ATM.
Thanh toán các dịch vụ mua vé xem phim, vé tàu xe, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, các dịch vụ ăn uống, mua E-voucher cùng hàng trăm dịch vụ khác.
Miễn phí nạp tiền vào ví và rút tiền về ví ngay lập tức với nhiều ngân hàng liên kết khác nhau.
> Xem thêm: Kết nối Momo trên website, nhà bán hàng cần chuẩn bị những gì?
5.2. Cổng thanh toán ZaloPay
ZaloPay là một cổng thanh toán trực tuyến tích hợp trên điện thoại di động cực kỳ tiện lợi với tốc độ nhanh chóng. Các tính năng chính có thể kể đến khi sử dụng ZaloPay bao gồm:
Thao tác nhanh chóng chỉ với 1 cú chạm, giao dịch sau 2 giây.
Giao dịch mọi lúc mọi nơi, thực hiện 24/7.
Hỗ trợ quét QR để thanh toán nhanh gọn mà không cần nhập số tài khoản.
Hỗ trợ rút tiền nhanh chóng về tài khoản ngân hàng đã liên kết.
Tính an toàn, bảo mật cao.
> Xem thêm: Nhận ngay ưu đãi khi kết nối ZaloPay vào website
5.3. Cổng thanh toán VNPay
VNPay ra đời từ năm 2011 và hiện đã có hơn 40 đối tác là các ngân hàng, công ty viễn thông trong nước. VNPay có bước đột phá tiêu biểu đó là sử dụng tính năng thanh toán bằng cách quét mã QR. Chỉ với ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại, bạn có thể thoải mái mua sắm và thanh toán cực kỳ nhanh chóng.
5.4. Cổng thanh toán Bảo Kim
Cổng thanh toán Bảo Kim do công ty cổ phần TMĐT Bảo Kim phát triển và đã có hơn 1.000.000 khách hàng tin dùng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo Kim là cổng thanh toán được chấp nhận tại hơn 8.000 cửa hàng online lẫn offline với các tính năng:
Tích hợp tính năng thanh toán thương mại điện tử, dịch vụ số và hàng hóa.
Mua thẻ điện thoại, thẻ game,...
Mua thẻ Visa Trustcard.
5.5. Cổng thanh toán Ngân Lượng
Được ra mắt năm 2009, cổng thanh toán Ngân Lượng cho phép các doanh nghiệp và cá nhân gửi tiền, chuyển tiền và nhận thanh toán nhanh chóng và bảo mật an toàn qua Internet. Cũng như các cổng thanh toán điện tử khác, Ngân Lượng cho phép người dùng thanh toán các hóa đơn điện, nước, Internet, các hóa đơn trên sàn thương mại điện tử,... một cách nhanh chóng nhờ tài khoản ngân hàng.
5.6. Cổng thanh toán OnePay
Cổng thanh toán OnePay được ra mắt năm 2006 với mục đích xây dựng cổng thanh toán quốc tế nhanh chóng, tiện lợi tại Việt Nam. OnePay được biết đến là địa chỉ giao dịch trực tuyến dễ dàng, thuận tiện với giá trị mỗi lần giao dịch lên đến 10.000.000 USD/tháng và hơn 200.000 giao dịch/tháng. Hiện nay có nhiều đối tác lớn liên kết với OnePay như Jetstar Pacific, rạp chiếu phim CGV,... cùng với hơn 800 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác.
5.7. Cổng thanh toán PayPal
PayPal là một trong các cổng thanh toán trực tuyến quốc tế top đầu tại Việt Nam hiện nay. Ứng dụng chuyển tiền quốc tế qua Internet này được xem là công cụ thay thế cho các phương thức giao dịch truyền thống khác như SEC, lệnh chuyển tiền, thư từ,...
PayPal được nhiều nhà bán lẻ sử dụng để thanh toán trực tuyến với các tính năng nổi bật:
Thanh toán trực tuyến tiện lợi, hầu hết người dùng đều ưa thích sử dụng PayPal vì sự tiện lợi của nó khi mua sắm trực tuyến.
Thanh toán các hóa đơn trực tiếp tại cửa hàng bằng cách kết nối tài khoản PayPal với Samsung Pay hoặc Google Play.
Chuyển tiền liên ngân hàng.
5.8. Cổng thanh toán Smartlink
Smartlink được phát triển từ nền tảng do ngân hàng Vietcombank cùng 15 ngân hàng cổ phần khác xây dựng. Mục tiêu ra đời của Smartlink là đa dạng hóa các hình thức giao dịch không cần dùng tới tiền mặt.
Hiện nay, Smartlink là một cổng thanh toán có sự liên kết của hơn 51 ngân hàng cùng các doanh nghiệp, công ty lớn. Cổng thanh toán trực tuyến Smartlink cung cấp các tiện ích giao dịch qua nhiều phương thức như ATM, POS, Internet Banking,...
6. Lưu ý khi chọn cổng thanh toán điện tử cho website
Đối với các nhà bán hàng online, việc tích hợp các cổng thanh toán trực tuyến vào trang web bán hàng là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổng thanh toán để tích hợp cũng cần có chọn lọc kỹ lưỡng. Dưới đây là một số lưu ý dành cho các bạn khi chọn cổng thanh toán điện tử cho website.
Khả năng tương thích: Bạn cần tìm hiểu rõ website của bạn sử dụng có thể tích hợp được loại cổng thanh toán nào để lựa chọn cho phù hợp.
Độ bảo mật: Việc giao dịch tiền bạc cần độ an toàn cao. Do đó bạn nên chọn các cổng thanh toán có độ bảo mật cao nhất để không ảnh hưởng đến uy tín cửa hàng.
Kênh và quy trình thành toán: Chọn các cổng thanh toán là kênh giao dịch tiện lợi, quy trình đơn giản, dễ thực hiện để tăng trải nghiệm khách hàng.
Phí dịch vụ: Ưu tiên chọn cổng giao dịch trực tuyến có mức chi phí tối ưu nhất hoặc thường xuyên có ưu đãi hấp dẫn.
Khả năng tùy biến: Nên chọn các cổng giao dịch có độ tùy biến cao, có thể thay đổi thích ứng với các điều chỉnh thao tác trên website.
7. Kết luận
Thời đại công nghệ phát triển, mua sắm trực tuyến dần trở thành xu thế nên các cổng thanh toán trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến này cho các website bán hàng giúp tăng sự chuyên nghiệp cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển hơn. Hy vọng rằng những chia sẻ trên của Haravan sẽ hữu ích cho các bạn.
>> Xem thêm bài viết cùng chủ đề: