9 sai lầm tôi mắc phải khi điều hành 2 cửa hàng online

Tham gia vào thương mại điện tử là một trong những trải nghiệm giáo dục tốt nhất trong cuộc đời tôi. Những điều tôi học được khi thực sự bắt đầu kinh doanh sẽ rất khó tìm thấy trong MBA hoặc bất kỳ khóa học kinh doanh nào. Những bài học tôi học được đều sinh ra từ những sai lầm mà tôi đã gây ra. Mỗi sai lầm khiến bạn cố gắng làm tốt hơn trong tương lai, miễn là bạn suy nghĩ về những gì bạn có thể làm khác đi để cải thiện tình hình. Dưới đây là 9 sai lầm tôi đã từng mắc phải, hi vọng bạn có thể tránh được chúng và thành công nhanh hơn nữa.

1. Tính toán vội vã

Nếu bạn hỏi bất kỳ doanh nhân dày dạn kinh nghiệm nào rằng: Kỹ năng quan trọng nhất trong việc điều hành doanh nghiệp là gì? Thì đó chính là Toán học. Khi tôi bắt đầu, việc kinh doanh giống như một sở thích của tôi, vì vậy tôi đã không tạo ra một kế hoạch kinh doanh chi tiết hoặc chú ý nhiều đến toán học như tôi nên có. Kết quả là, tôi sa vào một thị trường ngách có nhu cầu tốt nhưng không đủ tiềm năng doanh thu đáng để đầu tư. Các sản phẩm tôi cố gắng bán rất rẻ, và tôi buộc phải bán nhiều hơn dự định để có thể kiếm tiền kha khá.

Tính toán cẩn thận khi điều hành 2 cửa hàng online.

Bài toán kinh doanh rất đơn giản. Để xem doanh nghiệp của bạn có thể sinh lãi như thế nào, hãy sử dụng công thức này:

Lợi nhuận = Nhu cầu * (Doanh thu - Chi phí).

Để giải quyết vấn đề này, hãy giả sử có 20.000 người đang tìm kiếm sản phẩm của bạn (Tôi sử dụng một giả định hào phóng như vậy để giải thích cho từ khóa chính, cũng như một số từ khóa đuôi dài).

Giả sử bạn có thể đặt mình trước một nửa số người đó, thì bạn có 10.000 người mua tiềm năng. Nếu bạn có tỷ lệ chuyển đổi ở mức trung bình từ 1-2%, thì bạn có 100-200 đơn hàng. Nếu giá trị đơn hàng trung bình của bạn là 100 đô la và bạn có tỷ suất lợi nhuận ròng là 30%, lợi nhuận của bạn sẽ là khoảng từ 3000-6000 đô la. Tất nhiên, đây là những ước tính thực sự thô. Nhưng nếu bạn đã tính toán trước, bạn sẽ biết bạn đang làm gì. Tôi đã mất hai cửa hàng để học bài học toán một cách chính xác, bởi vì mặc dù cửa hàng thứ hai của tôi có giá trị đơn hàng trung bình rất cao, nhưng biên độ quá mỏng đến nỗi tôi hầu như không kiếm được tiền sau khi thanh toán chi phí.

2. Không tìm thấy khoảng trống trên thị trường

Cả hai cửa hàng tôi bắt đầu đều dựa trên mô hình dropshipping. Nghĩa là tôi đã cạnh tranh với hàng trăm người bán những món đồ tương tự. Trừ khi tôi có thể phân biệt bản thân mình với họ bằng cách nào đó, nếu không cửa hàng của tôi cũng chỉ như hàng trăm người đó, không cung cấp những giá trị khác biệt nào cho khách hàng.

Với cửa hàng đầu tiên của tôi, tôi chỉ nghĩ rằng đó là một thị trường thích hợp, nhưng không thực sự nghiên cứu bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào để xem tình hình thị trường là gì. Tôi không nhận thấy rằng đối thủ thành công nhất trong thị trường mà tôi nhắm đến thật sự rất tuyệt vời. Họ có tất cả các sản phẩm tôi có, hàng trăm đánh giá, hàng ngàn lượt thích trên mạng xã hội, một blog nổi tiếng và hàng đống báo chí nói về họ. Và tôi vẫn nghĩ rằng tôi có thể chống lại họ. Không cần phải nói, cửa hàng là một thảm họa.

Khoảng cách giữa doanh nghiệp và các đối thủ là điều đáng được cân nhắc

Với cửa hàng thứ hai của tôi, có một khoảng cách lớn giữa các đối thủ: không phải về sản phẩm, mà về thông tin. Tôi đã nắm bắt cơ hội này và bắt đầu thực hiện nghiên cứu của mình, và quản lý để tạo ra một nguồn lực nội dung rất toàn diện trong thị trường ngách của mình. Không phải là những thông tin này không có sẵn ở nơi khác, nhưng tôi đã trình bày nó theo cách dễ sử dụng và hữu ích cho khách truy cập.

Kết quả? Với một số nỗ lực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tôi đã mang đến cửa hàng 15.000 lượt truy cập organic mỗi tháng trong một thị trường cạnh tranh. Khoảng trống dễ tìm thấy nhất là khoảng cách thông tin: bạn không cần đầu tư tài chính nhiều và giá trị kinh doanh của bạn sẽ không chỉ là sản phẩm và danh sách khách hàng của bạn, mà cả nội dung của bạn nữa.

>> Đọc thêm: Thị trường ngách: Chiến lược khôn ngoan cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

3. Đầu tư tràn lan nhiều sản phẩm

Cửa hàng đầu tiên của tôi bán túi tái chế thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vì những chiếc túi bán khá chậm, tôi dần dần bán thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường khác từ nhà cung cấp của mình. Cuối cùng, tôi đã có cả một loạt các sản phẩm, không có mối quan hệ nào giữa chúng ngoại trừ việc chúng đều thân thiện với môi trường. Điều này sẽ ổn nếu thương hiệu của tôi là một cái gì đó chung chung hơn, nhưng tiếc là không phải. Mặc dù điều này không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng đến từ lưu lượng truy cập phải trả tiền, nhưng việc thu hút một khách hàng cụ thể rất khó khăn. Sai lầm ở đây là về thương hiệu nhiều hơn về tài chính, nhưng xây dựng thương hiệu cũng quan trọng không kém, bởi thương hiệu là thứ khiến doanh nghiệp của bạn thực sự đáng giá.

4. Không có kế hoạch tiếp thị nội dung

Đây là một sai lầm khác tôi mắc phải với cửa hàng đầu tiên. Tôi đã không đặt nhiều nỗ lực vào tiếp thị nội dung, điều này khiến cho lưu lượng truy cập tự nhiên rất ít, đặc biệt là với sản phẩm như những chiếc túi tái sử dụng. Tôi đã sửa chữa sai lầm này với cửa hàng thứ hai, được xây dựng với nội dung tiếp thị làm nền tảng.

Nghiêm túc mà nói, viết về những chiếc túi có thể tái sử dụng thì sao viết mãi được? Bí quyết ở đây (sau này tôi đã học được) là tiếp thị nội dung không theo sản phẩm, mà theo khách hàng của bạn. Ai có khả năng sử dụng túi tái sử dụng? Một người có ý thức về môi trường. Vậy cũng có khả năng là họ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, yoga và giữ gìn sức khỏe. Đây đều là những linh cảm ban đầu, nhưng một chút nỗ lực nghiên cứu có thể xác nhận chúng.

Bằng cách xây dựng chiến lược tiếp thị nội dung của bạn xung quanh khách hàng lý tưởng thay vì xung quanh một sản phẩm, bạn có rất nhiều điều để viết và nhiều cách khác để kết nối với khán giả của bạn. Ngay cả khi bạn có thể viết 50 đến 100 bài chỉ trên các đặc tính của sản phẩm của bạn, thông tin đó sẽ chỉ đi xa đến một mức độ nào đó. Để thực sự thu hút, bạn sẽ cần hiều điểm chung với khách hàng hơn là việc thuyết phục họ mua thứ gì đó bạn bán.

>> Đọc thêm: Tổng quan về chiến lược Marketing và làm sao để tạo một chiến lược Marketing thành công

5. Cân nhắc việc tặng quà miễn phí

Một số doanh nghiệp làm rất tốt với việc tặng sản phẩm miễn phí. Tôi cũng có một chiến dịch tương tự với sản phẩm của mình. Thật không may, tôi đánh giá sai toàn bộ và mất một khoản tiền lớn. Tôi chỉ bán được 1 đơn hàng từ 300 mẫu mà tôi đã gửi.

Quà tặng miễn phí là chiến dịch thu hút khách hàng nhưng cũng là con dao hai lưỡi

Miễn phí, các cuộc thi và quà tặng là một cách hiệu quả để tiếp thị sản phẩm, nhưng chúng không phù hợp với mọi thị trường. Sản phẩm thử miễn phí sẽ hiệu quả đối với các sản phẩm dễ hỏng hoặc dễ tiêu thụ: chăm sóc da, đồ ăn, thực phẩm chức năng,... Với các sản phẩm khác, nó thật sự rất khó để tạo được hiệu quả.

Điều tôi học được từ kinh nghiệm đắt giá đó là những mánh lới quảng cáo này không thực sự thúc đẩy doanh số, nhưng chúng xây dựng thương hiệu. Và để xây dựng thương hiệu, bạn cần có kế hoạch.

6. Tổ chức một cuộc thi mà không có kế hoạch

Tôi tiếp tục tìm kiếm những cách hiệu quả để tiếp thị kinh doanh túi xách của mình. Rồi tôi quyết định tổ chức một cuộc thi kết hợp với một blogger. Lần này, tôi cân nhắc kỹ về mặt tài chính, và giải thưởng được trao chỉ là một phiếu quà tặng trị giá $50. Kết quả? Tôi gần như tăng gấp ba lần người theo dõi trên mạng xã hội, và cuộc thi hóa ra là một "cú hit" tuyệt vời.

Nhưng rồi, vì tôi mắc lỗi số 4, tôi đã không có một kế hoạch nội dung để tạo kết nối với tất cả những người theo dõi mới này. Thủ thuật trên mạng xã hội là bạn phải thu hút những người theo dõi của bạn mọi lúc: Tìm nội dung để chia sẻ mỗi ngày, đưa ra nội dung của riêng bạn một cách thường xuyên, bắt đầu cuộc trò chuyện, trở nên thật có ích,... Vì thiếu những điều này, cuối cùng, tất cả những người theo dõi tôi có được từ cuộc thi đều lãng quên tôi.

Lần tới khi bạn có kế hoạch bắt đầu một cuộc thi, hãy chắc rằng bạn có kế hoạch cho kết quả sau đó. Kế hoạch đó có thể có giá trị hơn nhiều so với chính cuộc thi ban đầu.

7. Lãng phí quá nhiều thời gian với những việc nhỏ nhặt

Trong kinh tế, có một khái niệm về chi phí cơ hội. Về cơ bản, khi bạn chọn theo đuổi bất kỳ một cơ hội nào, thì chi phí của điều đó chính là bạn không còn thời gian cho các cơ hội khác.

Nếu bạn đang khởi động công việc kinh doanh của mình như tôi, rất có thể bạn đã tự làm mọi thứ. Bạn thiết lập cửa hàng online của mình, bạn mày mò với nó, bạn đã tải lên các sản phẩm, bạn đã viết tất cả các mô tả, bạn đã làm tất cả hoạt động tiếp thị. Bạn tha hồ "tung hoành" trong cuộc kinh doanh của mình.

>> Đọc thêm: 10 điều cần có trong nội dung website

Ôm đồm quá nhiều việc khiến bạn không chu toàn khi kinh doanh

Vấn đề ở đây là, trong khi tự mình làm mọi thứ thật tuyệt, bạn cũng sẽ tốn thời gian kinh khủng. Đây là khoảng thời gian bạn có thể dành cho gia đình, suy nghĩ những ý tưởng mới hoặc xây dựng các mối quan hệ kinh doanh,...

Bạn hãy thử tự động hóa càng nhiều nhiệm vụ càng tốt. Quá trình này sẽ tốn một ít tiền, nhưng sự đau đầu và đau lòng mà bạn tiết kiệm thường vượt xa số tiền bạn sẽ chi. Bên cạnh đó, bạn thường có thể tìm thấy những người sẵn sàng thực hiện các tác vụ này (tải sản phẩm, nhập dữ liệu,....) với một khoản tiền hợp lý.

Một số điều như sửa đổi logo, thay đổi kích thước hình ảnh, màu sắc của nút,... có thể có tác động tích cực đến chuyển đổi của bạn, nhưng bạn sẽ chỉ biết một khi bạn có nhiều khách truy cập và doanh số để so sánh. Trong giai đoạn đầu kinh doanh, bạn hãy tránh sa vào những điều đó. Thời gian của bạn nên được sử dụng tốt hơn.

8. Không biết khách hàng lý tưởng là ai

Đây là một sai lầm tôi học được từ việc điều hành cửa hàng online đầu tiên, nhưng tôi vẫn mắc sai lầm với cửa hàng thứ hai.

Đối với mọi hoạt động kinh doanh, cần có 2 việc bạn cần để tâm nghiên cứu: tìm sản phẩm để bán và hiểu khách hàng của bạn. Điều khó khăn ở đây là, bạn có thể có khách hàng và sau đó xây dựng một sản phẩm, nhưng rất khó để có một sản phẩm và sau đó săn lùng khách hàng. Và tôi đã bỏ qua một bước quan trọng là tìm một hình mẫu khách hàng lý tưởng và xây dựng hồ sơ khách hàng.

Ngay cả khi sản phẩm của bạn có nhu cầu thị trường cao và đa dạng sản phẩm, nếu bạn không biết rõ khách hàng lý tưởng thì sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Đó là những gì đã xảy ra với cửa hàng thứ hai của tôi. Tôi có những tháng đầu với doanh thu rất tốt, nhưng tôi chưa nhắm đủ chính xác vào khách hàng mục tiêu. Vì điều đó, tôi đã để mất rất nhiều doanh số.

Nếu bạn đào đủ sâu, bạn sẽ thấy rằng các ngách thị trường lại có nhiều ngách nhỏ bên trong chúng. Bạn nhắm mục tiêu càng cụ thể thì càng tốt, vì nó sẽ dễ xác định nhu cầu của khách hàng hơn.

Tôi đã kinh doanh các thiết bị điện tử khá phức tạp trên cửa hàng thứ hai. Chúng có các cấp độ: một số ít phức tạp, một số trung bình và một số rất tiên tiến. Cửa hàng của tôi có cả ba loại. Nhưng nhìn lại, nếu tôi chỉ tập trung vào một loại, có lẽ tôi đã kết nối với khách hàng của mình nhiều hơn, và gặp ít khó khăn hơn khi tìm kiếm các influencer phù hợp. Tình huống tôi thường gặp phải là: rao bán sản phẩm quá chuyên nghiệp cho người mới và mời chào những món quá đơn giản cho người chuyên nghiệp.

>> Tham khảo ngay: 6 cấp độ nhu cầu của khách hàng - Hiểu để làm đúng

9. Không có kế hoạch marketing vững chắc

Khi bạn thất bại trong việc lên kế hoạch, bạn đã lên kế hoạch để thất bại.

Khi bạn thiết lập một trang web thương mại điện tử, nếu biết rõ khách hàng của mình là ai và có thể tìm thấy họ ở đâu, việc thiết lập kế hoạch marketing sẽ trở nên dễ dàng. Thật không may, tôi không biết những điều đó và kế hoạch marketing của tôi rối tung lên. Tôi làm một điều gì đó vào hôm nay, ngày mai tôi làm điều hoàn toàn khác.

thiếu kế hoạch marketing cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại

Tất nhiên, mọi cửa hàng thương mại điện tử nên có một kế hoạch tiếp thị toàn diện, nhưng một số kênh rõ ràng có hiệu quả hơn các kênh khác. Một số doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn với quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp (PPC), trong khi doanh nghiệp khác dẫn đầu nhờ SEO hoặc mạng xã hội. Dù kế hoạch của bạn là gì, hãy chắc chắn rằng nó đã được thực hiện kể từ khi bạn bắt đầu. Cơ hội mới sẽ tự nhiên phát sinh, nhưng nền tảng của bạn cần đủ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng ổn định và mở rộng.

>> Đọc ngay: 6 bước lập kế hoạch Marketing chi tiết cho Startup

Một vài lời khuyên cho các doanh nhân mới

Dưới đây là một danh sách ngắn các công việc khó khăn nhưng đáng để làm khi bạn bắt đầu điều hành một cửa hàng trực tuyến:

  • Nghiên cứu thị trường: nhu cầu về sản phẩm lớn bao nhiêu?

  • Biết chính xác khách hàng của bạn: bạn đang giải quyết vấn đề cho ai?

  • Tìm một khoảng trống trên thị trường: có giá trị nào bạn mang đến khiến bạn khác biệt?

  • Có một kế hoạch tiếp thị rõ ràng.

  • Tránh lãng phí thời gian với những việc nhỏ nhặt.

  • Sử dụng một website thiết kế đẹp và chuẩn để bạn không cần phải chỉnh sửa.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: hãy kiên trì!

----

Mừng sinh nhật 04 tuổi Haravan chi nhánh Hà Nội - Bùng nổ ưu đãi quà tặng

Chương trình khuyến mãi siêu ưu đãi mừng sinh nhật 04 tuổi Haravan Hà Nội. Từ ngày 10/10 đến 31/10/2019, khi đăng ký dịch vụ tại Haravan từ 2 năm trở lên, quý khách hàng sẽ được tặng thêm 100% THỜI GIAN SỬ DỤNG mà không phát sinh bất kỳ chi phí nào.

Xem chi tiết chương trình và đăng ký ngay tại đây

>> Đọc thêm bài viết liên quan:

Tổng hợp kích thước ảnh và video các Mạng xã hội chuẩn nhất năm 2022

5 chỉ số đo lường hiệu quả trong mobile marketing

Hướng dẫn triển khai Omnichannel Marketing cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Ebook miễn phí

Ebook miễn phí

Bí kíp thiết kế website bán hàng Từ A-Z cho mọi chủ shop

Đăng ký tải ngay Ebook

Bài viết liên quan: