Kinh doanh nhà trọ ngày càng trở nên tiềm năng, đặc biệt là tại những thành phố lớn khi mỗi năm lại có lượng lớn người dân ngoại tỉnh đổ về để học tập và làm việc. Có rất nhiều mô hình kinh doanh nhà trọ lớn nhỏ khác nhau và hầu hết đều kinh doanh thành công, đem lại doanh thu ổn định cho chủ trọ. Cùng Haravan điểm qua xem những mô hình kinh doanh nhà trọ tiềm năng hiện nay là gì nhé.
1. Tiềm năng và rủi ro khi kinh doanh nhà trọ
Những tiềm năng và rủi ro khi kinh doanh nhà trọ cho thuê
Kinh doanh nhà trọ cũng tương tự như những mô hình kinh doanh khác, luôn có những tiềm năng và rủi ro mà bạn cần nắm rõ trước khi bắt tay vào với mô hình này.
1.1 Các tiềm năng khi kinh doanh phòng trọ
Tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,... mỗi năm có lượng lớn người dân ngoại tỉnh đổ về nên nhu cầu nhà ở là rất lớn, nhu cầu này có xu hướng ngày càng tăng và không có xu hướng giảm đi. Do đó mô hình kinh doanh nhà trọ sẽ mang lại cho chủ đầu tư một khoản thu nhập ổn định và lâu dài, bất chấp điều kiện lên xuống của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, mô hình này cho phép nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn về mô hình kinh doanh, từ những phòng trọ bình dân giá rẻ đến những chung cư mini cao cấp. Từ đó đa dạng phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng hình thức đầu tư nhà trọ cho thuê thường an toàn, có khả năng thanh khoản tốt, tài sản cố định không bị thâm hụt và mất mát, chưa kể đến nguồn lợi gia tăng giá trị từng mảnh đất trong tương lai.
1.2 Rủi ro có thể gặp phải
Bên cạnh những tiềm năng của kinh doanh nhà trọ thì mô hình này cũng tiềm ẩn một số khó khăn và rủi ro cho chủ trọ.
Bạn có thể thường xuyên gặp phải các vấn đề rắc rối trong khâu quản lý như: đăng ký tạm trú cho người thuê, việc thu tiền nhà hàng tháng, một số người đi thuê đôi khi thiếu ý thức giữ gìn, quan hệ không tốt giữa những người thuê nhà, quản lý không chặt còn có thể phát sinh các tệ nạn xã hội…
Trong trường hợp phải vay ngân hàng, huy động vốn, áp lực tài chính sẽ rất lớn vì mô hình này chỉ thu tiền lẻ do đó bạn vẫn có thể thua lỗ hoặc mất tiền nhiều hơn kế hoạch dự phòng nếu không có tính toán kỹ lưỡng các khoản thu chi, tiết kiệm chi phí.
Kinh doanh nhà trọ là bạn sẽ có nhiều người khác nhau thuê phòng phải không phải ai cũng chấp hành những nội quy mà bạn đưa ra. Bạn có thể gặp phải người thuê phòng thuộc thành phần xấu, nguy hiểm. Khách thuê nhà khá phức tạp có thể đe dọa đến việc vận hành chuỗi nhà trọ, cũng như làm ảnh hưởng xấu đến những người thuê khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải chi trả một khoản tiền cho vấn đề giám sát thu thuế. Hiện nay, theo quy định của Pháp luật thì bạn sẽ phải trả một mức thuế là 10% doanh thu/ tháng, gồm 5% thuế thu nhập cá nhân và 5% doanh thu.
2. Các mô hình kinh doanh nhà trọ cho thuê hiện nay
Kinh doanh nhà trọ có nhiều mô hình lớn nhỏ để đáp ứng nhiều nhu cầu và mức sống khác nhau của người dân. Dưới đây là 3 mô hình phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay mà bạn có thể tham khảo.
2.1 Mô hình nhà trọ cho thuê giá rẻ
Mô hình kinh doanh cho thuê nhà trọ giá rẻ
Mô hình nhà trọ cho thuê giá rẻ rất phù hợp với những khu vực gần trường học, khu công nghiệp hay khu vực tập trung đông người dân thuộc phân khúc thu nhập thấp.
Những phòng trọ này có diện tích khoảng từ 10 đến 25 mét vuông, được cho thuê với giá từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng. Nếu mỗi phòng ở 3 hay 4 người thì chi phí chia ra chỉ khoảng 400 đến 900 nghìn đồng nên cũng rất phù hợp.
2.2 Mô hình kinh doanh phòng trọ tầm trung
Mô hình kinh doanh cho thuê nhà trọ tầm trung
Mô hình phòng trọ tầm trung thường được xây gần các khu vực trung tâm, nơi có nhiều tiện ích như chợ, trường học, trung tâm thương mại, giao thông thuận tiện,... Và đối tượng phù hợp với mô hình này thường là những nhân viên văn phòng hoặc những người có mức thu nhập ổn định, họ muốn thuê những nhà trọ có giá tốt hơn để có điều kiện sống tốt hơn và đáp ứng một số nhu cầu của bản thân.
Mô hình kinh doanh này thường có giá từ 3,5 đến 6 triệu đồng, phòng có diện tích từ 25 đến 50 m2, tùy vào mức giá mà có thể được trang bị thêm nhiều tiện nghi như tivi, tủ lạnh, điều hòa... và máy nước nóng, máy giặt, tủ quần áo, nệm,…
2.3 Mô hình đầu tư nhà trọ cho thuê cao cấp
Mô hình kinh doanh cho thuê nhà trọ cao cấp
Mô hình nhà trọ cho thuê cao cấp thường là những căn hộ dịch vụ, những căn chung cư đầy đủ tiện nghi dành cho những người có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả một khoản tiền nhiều hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Những căn hộ này thường được cho thuê tại các khu chung cư cao cấp, nơi tập trung đầy đủ các dịch vụ để đáp ứng tất cả nhu cầu của người dân.
Mô hình này thường được cho thuê với giá 10 triệu trở lên với căn hộ có 1 hoặc 2 phòng ngủ, phòng bếp, nhà vệ sinh,... được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như tivi, tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế, thang máy,...
3. Quy trình phát triển ý tưởng kinh doanh nhà trọ cho thuê
Kinh doanh nhà trọ là mô hình tiềm năng, đồng nghĩa với việc có rất nhiều đối thủ cạnh tranh khác. Do đó để bắt đầu kinh doanh, bạn cần có quy trình phát triển ý tưởng rõ ràng.
3.1 Sàng lọc đối tượng thuê phòng, hình thức để xây nhà trọ
Đây chắc chắn là điều đầu tiên bạn cần phải làm, bạn cần xác định rõ đối tượng khách hàng tiềm năng và mô hình nhà trọ mà bạn hướng đến dựa trên nguồn lực về tài chính và phân tích nhu cầu thị trường trong khu vực bạn muốn đầu tư.
Bên cạnh đó, khi cho khách thuê nhà bạn cần phải sàng lọc khách thật kỹ lưỡng để có thể kinh doanh lâu dài vì không phải người thuê nào cũng sống kỷ luật, đóng tiền nhà đúng hạn, chấp hành đúng nội quy khu nhà trọ, đảm bảo an ninh,... Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì tốt nhất nên thuê người có kinh nghiệm quản lý để điều hành phòng tốt hơn.
3.2 Xác định vốn đầu tư xây phòng trọ
Vốn đầu tư khi kinh doanh nhà trọ thường dao động từ khoảng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy theo quy mô và hình thức kinh doanh của bạn.
Nếu đã sở hữu đất, bạn cần đầu tư chi phí xây dựng phòng, đồ nội thất trong phòng để hỗ trợ việc cho thuê bao gồm các chi phí như mua vật liệu xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, trang trí nội thất,…
Nếu kinh doanh phòng trọ và cho thuê lại, bạn sẽ cần đóng trước chi phí thuê (từ 6 tháng đến 1 năm), chi phí quảng cáo phòng trọ, chi phí quản lý và các chi phí phát sinh khác,..
Xác định vốn đầu tư khi xây nhà trọ cho thuê
Để ước lượng được con số tương đối, chủ đầu tư cần dựa trên những yếu tố sau:
- Bản vẽ xây dựng nhà trọ: mỗi phòng có gác lửng hay không, đúc thật hay đúc giả…
- Giá cả vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, cát,…)
- Giá xây dựng móng: móng đơn hay móng băng
- Giá xây dựng phần thô
- Giá xây dựng phần hoàn thiện
- Nội thất cơ bản của nhà trọ: kệ bếp, bồn nước đặt trên toilet…
3.3 Quy định của pháp luật về xây dựng, kinh doanh nhà trọ
Đối với mô hình kinh doanh nhà trọ, bạn cần hiểu rõ những quy định của pháp luật về xây dựng và các thủ tục đăng ký tạm trú cho khách thuê phòng.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh nhà trọ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu còn hiệu lực của chủ thể đăng ký
- Mẫu giấy đăng ký kinh doanh nhà trọ
- Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nhà trọ cho gia đình là 3 ngày làm việc tính từ thời gian nhận hồ sơ hợp lệ.
3.4 Thiết kế khu nhà trọ phù hợp
Hãy tận dụng tối đa diện tích khu đất để thiết kế và xây dựng được nhiều phòng nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo thông thoáng, lối đi rộng rãi cho người thuê phòng. Một ví dụ cho mô hình đầu tư nhà trọ như sau: nhà trọ sẽ có 2 dãy đối diện nhau, mỗi dãy 5 phòng, có toilet riêng. Mỗi phòng có diện tích 3x4m, chiều cao 3.5m lợp tôn, tường dày 220 cm. Lối đi chung ở giữa là 3m.
Thiết kế khu nhà trọ phù hợp
3.5 Làm hợp đồng thuê phòng rõ ràng, hợp pháp
Khi cho thuê nhà trọ bạn cần làm hợp đồng cho thuê phòng rõ ràng và đúng quy định vì nếu không may có vấn đề xảy ra thì đây là cơ sở để bạn và người cho thuê có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Một hợp đồng hợp pháp cần có đầy đủ các thông tin cơ bản, số CMND/CCCD và chữ ký hợp lệ của người thuê. Trong hợp đồng cũng cần đề cập tới các yêu cầu và quy định, trách nhiệm của cả hai bên cũng như các cách giải quyết khi vi phạm / phá hợp đồng.
Nếu khu trọ là của gia đình bạn, bạn chỉ cần làm hợp đồng cho thuê với người thuê phòng, còn nếu bạn là người thuê nhà / dãy trọ của người khác rồi cho thuê lại, bạn cần 2 kiểu hợp đồng với 2 đối tượng tương ứng.
3.6 Yêu cầu người thuê trọ đăng ký tạm trú
Bên cạnh việc ký kết hợp đồng thuê, bạn cũng cần phải hoàn tất thủ tục pháp lý (đăng ký tạm trú) cho khách thuê phòng. Hợp đồng là giấy tờ đảm bảo giữa bạn và người thuê, nhưng đăng ký tạm trú sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý an ninh chung tốt hơn. Vì vậy, ở vai trò một người kinh doanh phòng trọ cho thuê, bạn cần yêu cầu người thuê ngay lập tức đăng ký tạm trú khi họ chuyển đến.
Yêu cầu người thuê trọ đăng ký tạm trú
4. Bật mí kinh nghiệm kinh doanh nhà trọ cho thuê hiệu quả nhất
4.1 Đưa ra mức giá thuê hợp lý
Sau khi đã xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng và mô hình kinh doanh phù hợp thì hãy đưa ra một mức giá thuê hợp lý để đảm bảo rằng đối tượng này có khả năng và sẵn sàng chi trả tiền để thuê phòng của bạn.
Hãy tính toán giá phòng cho thuê dựa trên giá mặt bằng của các mô hình tương tự có cùng diện tích, công năng, cùng khu vực,... Ví dụ, phòng 20 mét vuông ở khu vực trung tâm, gần chợ, tiện đi lại có giá trong khoảng 2- 3 triệu. Lúc này, bạn sẽ quyết định giá dựa trên việc phòng của bạn có đồ nội thất gì, có điều hoà và bình nước nóng không?...
4.2 Luôn bảo trì, tân trang nhà trọ
Trong quá trình cho thuê, chắc chắn phòng của bạn sẽ bị xuống cấp theo thời gian. Vì vậy, việc thường xuyên bảo trì và tân trang nhà trọ không chỉ giúp phòng của bạn luôn mới mà còn tạo cảm giác hài lòng cho khách hàng, làm cho họ sẵn sàng chi trả thêm nếu phòng tăng giá hoặc quyết định gắn bó lâu dài với bạn hơn.
Luôn bảo trì và tân trang nhà trọ
4.3 Cung cấp các dịch vụ cơ bản
Một số dịch vụ cơ bản cần thiết và có nhu cầu cao tại các khu nhà trọ như bình nước uống, dịch vụ giặt ủi, cung cấp gas,... Đây là một trong những khoản kiếm thêm lý tưởng, vừa hỗ trợ người thuê thuận tiện hơn và tiết kiệm thời gian vừa giúp bạn kiếm thêm tiền, tăng thu nhập.
4.4 Tập trung vào khâu quản lý nhà trọ
Việc quản lý nhà trọ tốt sẽ giúp mang lại những trải nghiệm tốt cho người thuê phòng, giúp họ sẵn sàng chi trả tiền thuê và gắn bó lâu dài với dịch vụ của bạn hơn. Khâu quản lý nhà trọ bao gồm 2 việc chính như sau:
- Quản lý người thuê phòng: phải đảm bảo họ tuân thủ theo hợp đồng. Xử lý các vấn đề về điện, nước, tự sửa chữa hoặc gọi thợ khi có hư hỏng.
- Quản lý vấn đề an ninh: Việc kiểm soát tình hình an ninh của khu trọ rất quan trọng, nó hạn chế tối đa các nguy cơ xảy ra trộm cướp, mất trật tự. Đồng thời, duy trì môi trường sống hòa đồng, tích cực, trong khi vẫn đảm bảo được sự riêng tư cho khách ở trọ.
4.5 Quảng bá và tìm kiếm khách hàng
Có rất nhiều cách khác nhau từ online đến offline giúp bạn dễ dàng quảng bá và tìm kiếm được nhiều khách hàng tiềm năng:
Quảng bá và tìm kiếm khách hàng thuê phòng
- Đối với online, bạn có thể đăng tin tức cho thuê phòng lên các diễn đàn trên mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc tạo tài khoản để đăng thông tin cho thuê phòng lên các website như Chợ Tốt,... Bạn lưu ý cần cung cấp đầy đủ các thông tin như địa chỉ phòng, diện tích, giá cho thuê, hình ảnh phòng, những tiện ích nổi bật,... để dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng và tránh gây hoang mang khi đến trải nghiệm thực tế.
- Đối với offline bạn có thể in những tờ giấy với thông báo cho thuê phòng và dán ở trước cổng hoặc ở những nơi tập trung đông khách hàng tiềm năng của bạn. Đây là cách làm truyền thông, không mất chi phí nhưng vẫn rất hiệu quả. Đừng quên để lại số điện thoại để khách hàng dễ dàng liên lạc với bạn nhé.
5. Kết luận
Tóm lại, kinh doanh nhà trọ là một mô hình tiềm năng nhưng không quá phức tạp và cũng không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Bạn chỉ cần đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ các mô hình và nhu cầu của thị trường, chuẩn bị nguồn tài chính vững và những kỹ năng quản lý nhà trọ khi lượng khách thuê ngày càng đông. Chúc các bạn thành công!
Doanh nghiệp đang có định hướng kinh doanh đa kênh, kết nối với đa sàn thương mại điện tử thì giải pháp Haravan là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay. Giải pháp Omnichannel - giải pháp bán hàng đa kênh, quản lý tập trung giúp tối ưu hiệu suất kinh doanh online trên Website, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo), sàn Thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada) cho đến chuỗi cửa hàng. Đăng ký dùng thử ngay!
>>> Xem thêm: