Các loại hình kinh doanh phổ biến hiện nay tại Việt Nam

Các loại hình kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam hiện nay khá đa dạng. Do đó, để có thể chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển, người chủ doanh nghiệp cần phải nắm vững những đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp. Trong bài viết sau, Haravan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại hình kinh doanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm doanh nghiệp

Các loại hình kinh doanh

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh

Doanh nghiệp được hiểu là một tổ chức kinh doanh, có các hoạt động mua bán, giao dịch, trao đổi,... được diễn ra. Mỗi doanh nghiệp đều phải có tên riêng, có tài sản và trụ sở hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và được cho phép hoạt động thì doanh nghiệp đó mới có thể làm việc được.

Một số lợi ích của doanh nghiệp đối với xã hội có thể kể đến như:

  • Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng với mức giá phù hợp nhất.
  • Giải quyết các nhu cầu việc làm của xã hội.
  • Giúp đất nước phát triển cả về kinh tế lẫn xã hội.
  • Tạo ra được nhiều sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
  • Tạo sự cạnh tranh để giúp đưa chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn và giúp giảm giá thành.
  • Doanh nghiệp phải đóng thuế, giúp bổ sung nguồn thu cho nhà nước.

2. Phân loại doanh nghiệp

2.1 Căn cứ theo tiêu chí hình thức pháp lý của doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, có 5 loại hình doanh nghiệp với các đặc trưng pháp lý, hình thức tổ chức và khả năng huy động vốn khác nhau, các loại hình đó bao gồm:

  • Doanh nghiệp tư nhân
  • Công ty TNHH một thành viên
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên
  • Công ty cổ phần
  • Công ty hợp danh

2.2 Căn cứ vào tiêu chí tính chất sở hữu tài sản trong doanh nghiệp

Căn cứ vào tiêu chí tính chất sở hữu tài sản trong doanh nghiệp, có 4 loại hình kinh doanh, cụ thể:

  • Doanh nghiệp Nhà nước
  • Doanh nghiệp hùn vốn
  • Doanh nghiệp tư nhân
  • Hợp tác xã

Vậy có những loại hình kinh doanh nào phổ biến tại Việt Nam hiện nay? Hãy đọc tiếp bài viết sau để tìm ra câu trả lời!

3. Các loại hình kinh doanh hiện nay phổ biến tại Việt Nam

3.1 Doanh nghiệp tư nhân

Các loại hình kinh doanh

Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là một trong các loại mô hình kinh doanh phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Đây là loại doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có thể tự trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất hoặc thuê người khác thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu.

Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:

  • Do đây là loại hình kinh doanh do một cá nhân làm chủ nên doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo sự tin tưởng cho các đối tác, khách hàng cũng như giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.

Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:

  • Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh tư nhân cao, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp chứ không giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.
  • Vì vậy, khi mà hiện nay đã có công ty TNHH 1 thành viên thì hầu như loại hình doanh nghiệp tư nhân ít được ưu tiên lựa chọn bởi nhược điểm của loại hình doanh nghiệp này là tính chịu trách nhiệm vô hạn.

3.2 Công ty hợp danh

Các loại hình kinh doanh

Công ty hợp danh

Tuy cũng là một trong các loại hình kinh doanh hiện nay phổ biến tại Việt Nam nhưng khác hẳn với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh là một dạng doanh nghiệp có ít nhất 2 thành viên hợp danh mà mỗi thành viên lại có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp cũng như phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Tuy nhiên, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty ban đầu.

Các thành viên hợp danh sẽ có quyền quản lý công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty và phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. Các thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định tại điều lệ công ty, không được tham gia quản lý công ty và hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Các thành viên hợp danh thì có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề liên quan tới việc quản lý công ty.

Ưu điểm của công ty hợp danh:

  • Công ty hợp danh sẽ dễ dàng tạo được sự tin cậy của các đối tác kinh doanh do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh.
  • Việc điều hành quản lý công ty sẽ không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.

Nhược điểm của công ty hợp danh:

  • Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Thành viên góp vốn không có quyền quản lý doanh nghiệp nên sẽ có nhiều hạn chế đối với thành viên góp vốn.
  • Thông thường, chỉ áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn như công ty Luật.
  • Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3.3 Công ty TNHH 1 thành viên

Các loại hình kinh doanh

Công ty TNHH 1 thành viên

Một trong các loại hình thức kinh doanh phổ biến tại Việt Nam hiện nay không thể không kể đến công ty TNHH 1 thành viên. Đây là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức là chủ sở hữu, góp vốn để thành lập. Chủ sở hữu này sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong điều lệ công ty. Chủ sở hữu cần phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nếu không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

Nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong vòng hơn 2 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu, công ty TNHH 1 thành viên sẽ được quyền giảm vốn.

Bên cạnh đó, nếu chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp của người khác, thì công ty sẽ được quyền tăng vốn điều lệ. Trong trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty cần thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

Ưu điểm của công ty TNHH 1 thành viên:

  • Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu.
  • Cơ cấu tổ chức công ty đơn giản nhất trong các loại kinh doanh. Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty mà không bị chi phối hoặc khó khăn khi đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty.
  • Chính chủ sở hữu là người phụ trách kế toán của doanh nghiệp mà không cần thuê người khác.
  • Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên:

  • Do chỉ có 1 thành viên và không có quyền phát hành cổ phiếu nên việc huy động vốn của công ty TNHH 1 thành viên sẽ bị hạn chế.
  • Lương của chủ sở hữu không được tính vào chi phí của doanh nghiệp

3.4 Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Các loại hình kinh doanh

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên cũng được xem là một trong các loại mô hình kinh doanh phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Đây là loại doanh nghiệp có 2 thành viên trở lên. Thành viên đó có thể là một tổ chức hay cá nhân, tuy nhiên số lượng thành viên không được vượt quá 50 người.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty TNHH sẽ không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.

Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Công ty sẽ phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp nếu thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết.

Ưu điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

  • Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Điều này sẽ ít gây rủi ro hơn cho người góp vốn.
  • Số lượng thành viên công ty TNHH 2 thành viên không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau nên việc quản lý cũng như điều hành công ty không quá phức tạp.
  • Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
  • Khi chuyển nhượng vốn, thành viên chuyển vốn phải kê khai thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân, trường hợp chuyển nhượng ngang giá góp vốn thì số thuế phải nộp bằng không.
  • Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh;
  • Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu.

3.5 Công ty cổ phần

Các loại hình kinh doanh

Công ty cổ phần

Không giống như các loại mô hình kinh doanh đã nhắc tới ở trên, công ty cổ phần là doanh nghiệp có các loại đặc điểm sau:

Các chủ thể khi tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần được gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức phải có tư cách pháp luật, quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp quy định. Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cổ đông sẽ có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty được gọi là Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.

Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn theo luật về chứng khoán quy định. Cơ cấu của Công ty cổ phần phải có bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc (TGĐ) và trên 11 cổ đông phải có Ban kiểm soát.

Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:

  • Công ty mua lại cổ phần đã phát hành.
  • Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
  • Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.

Ưu điểm của công ty cổ phần:

  • Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là TNHH, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao.
  • Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt, tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty.
  • Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần là rất cao thông qua việc phát hành cổ phần chào bán hoặc cổ phiếu ra công chúng, đây chính là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần.
  • Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, không cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông với Sở kế hoạch đầu tư, do đó phạm vi đối tượng được tham gia đông ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.

Nhược điểm của công ty cổ phần:

  • Các cổ đông sáng lập có thể mất quyền kiểm soát công ty.
  • Việc quản lý và điều hành công ty rất phức tạp do số lượng các cổ đông cụ thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có cả sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về lợi ích.
  • Chỉ các cổ đông sáng lập mới hiển thị thông tin trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Các cổ đông góp vốn chuyển nhượng cho nhau không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chỉ cần thực hiện tại nội bộ doanh nghiệp và không được ghi nhận trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp của cơ quan quản lý.
  • Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng sẽ phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị những ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt là về chế độ tài chính, kế toán.
  • Khi chuyển nhượng cổ đông bị áp thuế thu nhập cá nhân theo chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% dù công ty không có lãi vẫn bị áp mức thuế thu nhập cá nhân này.

4. Tổng kết

Bài viết trên Haravan đã chỉ ra cho bạn các loại hình kinh doanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay cũng như nêu rõ ưu điểm và nhược điểm của chúng. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ hiểu hơn và lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp nhất cho doanh nghiệp. Chúc bạn thành công!

---------------
Doanh nghiệp đang có định hướng kinh doanh đa kênh, kết nối với đa sàn thương mại điện tử thì giải pháp Haravan là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay. Giải pháp Omnichannel - giải pháp bán hàng đa kênh, quản lý tập trung giúp tối ưu hiệu suất kinh doanh online trên Website, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo), sàn Thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada) cho đến chuỗi cửa hàng. Đăng ký dùng thử ngay!
Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Ebook miễn phí

Ebook miễn phí

Bí kíp thiết kế website bán hàng Từ A-Z cho mọi chủ shop

Đăng ký tải ngay Ebook

Bài viết liên quan:

Tổng hợp đơn vị vận chuyển của Lazada mới nhất 2023 và điều cần lưu ý

03/01/2023 MKT Ngoc Anh

Top 5 cách ghép ảnh vào video trên Tiktok dễ dàng ai cũng làm được

03/01/2023 MKT Ngoc Anh

Bỏ túi ngay kích thước banner website SEO và UI cho người mới bắt đầu

09/01/2023 MKT Ngoc Anh