POSM là gì? Tìm hiểu 11 loại POSM phổ biến nhất hiện nay

1. POSM là gì?

POSM là từ viết tắt của Point of Sale Materials (tạm dịch: Các vật dụng thiết kế tại điểm bán) và được hiểu là các vật dụng mà các thương hiệu đặt tại điểm bán nhằm mục đích nâng cao độ nhận diện và định vị thương hiệu, thu hút, quảng cáo và góp phần gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Thuật ngữ POSM thường được nhắc đến nhiều nhất trong các ngành hàng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) khi mà quyết định mua hàng của khách hàng rất dễ bị ảnh hưởng và chi phối bởi các yếu tố xung quanh.

Tuy không trực tiếp đem lại lợi nhuận cho thương hiệu nhưng POSM có giá trị rất lớn trong việc thu hút sự chú ý và kích thích quyết định mua hàng của khách hàng. POSM thường được nhãn hàng bố trí ở các điểm chạm khách hàng như siêu thị, hội chợ, cửa hàng tiện lợi, tạp hoá, trung tâm mua sắm… Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại hình POSM với đa dạng mẫu mã và kiểu dáng. Do đó, tuỳ vào địa điểm sử dụng, mục đích quảng cáo, mẫu mã, kiểu dáng từng loại mà chi phí doanh nghiệp phải chi trả sẽ được thay đổi linh hoạt.

2. Các định dạng POSM phổ biến trên thị trường

2.1. Poster

POSM dạng Poster

Poster quảng cáo cho chương trình mua 1 tặng 1 của Gongcha dịp năm mới

Poster (Tạm dịch : Áp phích) là một ấn phẩm truyền thông bao gồm các yếu tố nội dung và hình ảnh đồ hoạ (biểu tượng, tranh vẽ hoặc ảnh). Poster thường được các đơn vị sáng tạo hoặc doanh nghiệp thiết kế thật bắt mắt và ấn tượng cũng như phải thật gần gũi với sản phẩm để có thể truyền tải thông điệp đến người xem một cách tối ưu nhất.

Thông thường, poster sẽ được thiết kế với kích thước là 40cm x 60cm hoặc 50cm x 70 cm - đủ để người xem đọc được trong khoảng cách gần và poster sẽ thường xuyên xuất hiện nhiều nhất trên tường hoặc cửa sổ của các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ và chợ.

2.2. Standee

POSM dạng Standee

Standee hướng dẫn đường đi ở tòa nhà Flemington

Standee là một công cụ quảng cáo bao gồm hai thành phần chính là phần khung giá đỡ và phần bạt in (phần bạt có thể linh hoạt thay thế) và tuỳ vào mục đích sử dụng mà được thiết kế kích thước cho phù hợp. Standee được thiết kế không nhằm mục đích thông thường là trưng bày mà mục đích chính là hỗ trợ doanh nghiệp truyền tải thông điệp và làm nhiệm vụ quảng cáo, marketing.

>> Tìm hiểu thêm: 10 cách để xây dựng thông điệp quảng cáo ấn tượng

Thông thường, standee được thiết kế với 3 kích thước chính là 60cm x 160cm, 80cm x 180cm và 80cm x 200cm, khi căng ra sẽ có dạng hình chữ nhật đứng, tiện lợi, gọn gàng, dễ di chuyển và thường được sử dụng nhiều ở các triển lãm, hội chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.

2.3. Wobblers

POSM dạng Wobbler quảng cáo sản phẩm bánh kẹo ở siêu thị

Wobbler quảng cáo sản phẩm bánh kẹo ở siêu thị

Khi đến cửa hàng mua sắm thì ngoài những ấn phẩm quen thuộc như poster hay standee thì khách hàng còn dễ dàng nhìn thấy sự xuất hiện của các tấm bìa in nội dung ưu đãi hoặc giá cả của sản phẩm được gắn trên các chân nhún lò xo có kích thước tương đối nhỏ, không vượt quá 30cm. Những sản phẩm đó được gọi là Wobbler và thường được nhìn thấy nhiều nhất ở các kệ trưng bày sản phẩm trong siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi. Tuy có kích thước tương đối nhỏ nhắn nhưng Wobbler có tiềm năng quảng cáo và nhận diện thương hiệu cực kỳ hiệu quả với mức chi phí hợp lý.

2.4. Leaflet

POSM dạng Leaflet quảng cáo dầu gội cho bé

Leaflet quảng cáo dầu gội cho bé

Leaflet (Tạm dịch: tờ quảng cáo rời) là một ấn phẩm quảng cáo có hình dạng giống như một tập giấy gồm nhiều trang được gấp gọn gàng, tuy có vẻ ngoài khá tương đồng với tờ rơi hoặc brochure nhưng leaflet được đầu tư hơn hẳn về chất lượng in ấn, hình ảnh cũng như nội dung. Nội dung được thể hiện trên leaflet đa phần sẽ tập trung quảng cáo về một sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu hoặc là hướng dẫn sử dụng. Leaflet được thiết kế với đặc điểm là thuận lợi cho người tiêu dùng nên kích thước tương đối nhỏ gọn (size A4, A5) và rất dễ bắt gặp ở các kệ trưng bày chính, booth khuyến mãi hoặc được phát trực tiếp tại gian hàng trong các hội chợ hoặc siêu thị.

2.5. Tester

Kệ đựng tester trong một cửa hàng mỹ phẩm

Kệ đựng tester trong một cửa hàng mỹ phẩm

Loại hình POSM này không khó để bắt gặp trong các gian hàng đồ gia dụng như nước giặt, nước xả vải hoặc trong các ngành hàng mỹ phẩm, nước hoa cũng như gian hàng thực phẩm. Tester được hiểu là mẫu thử của sản phẩm và được thiết kế với kích thước nhỏ hơn hoặc được trực tiếp chiết ra từ sản phẩm chính để cho khách hàng có cơ hội trải nghiệm ngay tại chỗ, giúp họ hiểu rõ hơn về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định chọn mua.

2.6. Booth

POSM dạng Booth quảng cáo

Booth quảng cáo nước uống dinh dưỡng trong một siêu thị

Tương tự như Tester, Booth là một trong những loại hình POSM phổ biến nhất với các ngành hàng mỹ phẩm, thực phẩm và đồ gia dụng. Booth có thiết kế rất đa dạng, thường được dùng để trưng bày và quảng bá cho các sản phẩm mới của nhãn hàng. Booth thường được bố trí ở siêu thị, trường học, công ty với khoảng từ 2-5 bạn nhân viên đứng quầy kèm theo các trò chơi hoặc hoạt động đổi quà đa dạng nhằm thu hút khách hàng và người tham gia.

2.7 Check-out Counter

POSM dạng Khu vực COC tại cửa hàng tiện lợi

Khu vực COC trong một cửa hàng tiện lợi

Check-out Counter (COC) là các giá hoặc kệ trưng bày sản phẩm tại quầy thu ngân thanh toán của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Loại hình POSM này có hiệu quả cao trong việc tác động đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng vì trong thời gian chờ đợi thanh toán, họ có tâm lý dành thời gian chú ý đến các quảng cáo và thậm chí sẽ chọn mua thêm sản phẩm xung quanh khu vực này. Những sản phẩm được trưng bày ở COC thường là các loại thực phẩm ăn uống dễ mua như bim bim, kẹo cao su, socola cho đến các sản phẩm cá nhân mà khách hàng hay quên mua như bàn chải, kem đánh răng, bao cao su, thuốc lá, bật lửa…

2.8. Display Island

POSM dạng Thiết kế Display Island

Thiết kế Display Island độc đáo đến từ Oreo

Display Island là một trong những loại hình POSM có chi phí đắt đỏ nhất so với các dạng còn lại vì Display Island sẽ được nằm ở vị trí trung tâm chính diện của siêu thị với kích thước rộng rãi để thoải mái trưng bày đa dạng sản phẩm cũng như có thiết kế và cách sắp xếp sáng tạo, ấn tượng để không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn thu hút được sự chú ý và ghi rõ dấu ấn thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng.

2.9. Showcase

Khu vực showcase trong siêu thị của sản phẩm sữa Anchor

Khu vực showcase trong siêu thị của sản phẩm sữa Anchor

Showcase là một hình thức POSM tuy đơn giản chỉ với thiết kế bao gồm những hộp trưng bày nhỏ dán kèm theo hình ảnh sản phẩm đặt tại các kệ chính nhưng lại được được sử dụng khá phổ biến với các nhãn hàng và doanh nghiệp vì chi phí hợp lý và mức độ tiện dụng.

2.10. Dangler

Dangler với các chương trình khuyến mãi nổi bật trong một cửa hàng Điện Máy Xanh

Những Dangler với các chương trình khuyến mãi nổi bật trong một cửa hàng Điện Máy Xanh

Dangler là các biển quảng cáo được thiết kế để treo trên trần của các trung tâm mua sắm hoặc siêu thị với mục tiêu thu hút sự chú ý từ xa và từ trên cao. Nội dung của các Dangler thông thường sẽ xoay quanh hình ảnh và tính năng nổi bật của sản phẩm, giới thiệu sản phẩm mới hoặc là chương trình khuyến mãi nổi bật trong tháng.

2.11 Gondola End

POSM dạng Gondola End giới thiệu sản phẩm sữa mới của Anchor

Khu vực Gondola End giới thiệu sản phẩm sữa mới của Anchor

Gondola End (GE) là một loại hình POSM tuyệt vời để việc quảng bá giá trị thương hiệu đạt được hiệu quả tối đa. Với vị trí đắc địa - được bố trí ở 2 đầu của kệ trưng bày và thiết kế cực kỳ sáng tạo, GE có khả năng thu hút sự tập trung của người tiêu dùng khi vô tình lướt qua chúng trong siêu thị hoặc trung tâm mua sắm. Ngoài việc quảng bá giá trị thương hiệu, doanh nghiệp còn có thể tận dụng Gondola End để giới thiệu các sản phẩm mới và chương trình khuyến mãi đến cho khách hàng.

3. Tầm quan trọng của POSM trong các chiến dịch Marketing

3.1. Thu hút sự chú ý của người tiêu dùng

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm nhãn hàng và hàng ngàn sự lựa chọn cho người tiêu dùng và POSM là phương tiện thường xuyên xuất hiện ở tất cả những nơi “gặp mặt” của nhãn hàng và người tiêu dùng nên chúng có vai trò rất lớn trong việc nâng cao khả năng hiện diện của sản phẩm và thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng.

>> Tham khảo ngay: 6 bí quyết thu hút khách đến cửa hàng của bạn

3.2. Tăng doanh số bán hàng

POSM tác động trực tiếp tới quyết định mua hàng của khách hàng vì chúng có khả năng làm nổi bật sản phẩm, truyền tải thông điệp và chương trình ưu đãi đến với khách hàng. Thông qua việc lựa chọn đúng loại hình POSM, content và phương thức Marketing sẽ giúp doanh nghiệp/nhãn hàng tăng khả năng liên kết giữa sản phẩm và khách hàng từ đó đẩy mạnh doanh thu bán hàng.

>> Xem thêm: Bật mí tuyệt chiêu đột biến gấp 3,4 lần doanh số ngày lễ

3.3. Làm nổi bật thương hiệu và sản phẩm bên cạnh các đối thủ cạnh tranh

Thông qua việc thiết kế POSM ấn tượng với các đặc điểm màu sắc, logo, hình ảnh và thông điệp phù hợp sẽ giúp nhãn hàng/doanh nghiệp nhanh chóng giành được sự chú ý của người tiêu dùng, từ đó tạo nên lợi thế khác biệt cho thương hiệu và sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.

4. Kết

Với một môi trường không ngừng cạnh tranh như hiện nay thì người tiêu dùng có hơn hàng trăm hàng nghìn lựa chọn, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị những phương án phù hợp để liên kết trực tiếp và giành được sự chú ý của khách hàng qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trong đó, POSM được đánh giá là một phương thức phù hợp và hiện đang được sử dụng rất nhiều bởi các doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau. Thông qua việc hiểu rõ từng loại POSM cũng như chọn lựa đúng loại hình để sử dụng trong chiến dịch Marketing sẽ giúp Marketer tiết kiệm thời gian cũng như chi phí, đạt được sự tăng trưởng trong doanh số và đảm bảo chiến dịch đạt được thành công.

Hãy để lại thông tin để nhận ngay tư vấn từ Haravan về việc triển khai các chương trình tăng trưởng kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

>> Các bài viết có liên quan:

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Bài viết liên quan: