Trang sản phẩm là nơi khách hàng đưa ra quyết định mua sắm hoặc rời khỏi website. Có rất nhiều doanh nghiệp không chú ý đến phần này mà chỉ tập trung tăng traffic bằng chạy quảng cáo. Khách hàng ghé website nhưng không mua hàng khiến ngân sách sử dụng không hiệu quả và tỉ lệ ROI ngày càng thấp.
>>> Tham khảo thêm: Cách tính ROI của một chiến lược KOL
Những bức ảnh đẹp về sản phẩm hay các mô tả được thể hiện trực quan, sinh động và cung cấp đầy đủ thông tin là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một trang sản phẩm mang lại chuyển đổi cao.
Để giúp nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu, hãy cùng Haravan điểm qua 9 cách giúp bạn nâng cao tỷ lệ chuyển đổi trên trang sản phẩm.
1. Mô tả ngắn gọn lợi ích mà sản phẩm mang lại trong màn hình đầu tiên
“Đẹp khoe xấu che!”
Hãy thể hiện ngắn gọn những gì tuyệt vời nhất mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng trong đoạn mô tả đầu tiên. Nếu bạn cố tình giấu các tính năng tốt về sản phẩm ở các màn hình bên dưới, bắt khách hàng phải lăn chuột nhiều vòng thì khả năng họ sẽ rời đi - thế là bạn vừa để mất một cơ hội bán hàng tiềm năng.
Các chàng trai ngọt ngào hay bảo “Anh yêu em vì tâm hồn” - Đừng tin, họ chỉ quan tâm tới tâm hồn khi đã say bạn từ cái nhìn đầu tiên mà thôi.
Ví dụ với ngành mỹ phẩm bạn có thể khéo léo áp dụng nguyên tắc trên bằng cách cung cấp một bản tóm tắt về sản phẩm như các nguyên liệu cấu tạo và những lợi ích mà sản phẩm mang lại trong một đoạn văn ngắn và đặt nó ngay đầu trang.
Và bạn có thể tạo động lực khám phá cho khách hàng bằng cách thêm các đường dẫn vào đoạn mô tả trên.
2. Nêu rõ chức năng / công dụng của sản phẩm một cách trực quan & sinh động
Khi lên nội dung cho trang sản phẩm, chắc hẳn bạn đã hiểu các mối quan tâm của khách hàng và mong muốn giải quyết các mối quan tâm ấy. Song, việc hiểu mối quan tâm nhưng cách thể hiện lại không phù hợp có thể khiến khách hàng khó nắm bắt thậm chí có thể hiểu sai về chức năng / công dụng sản phẩm của bạn.
Điều này bạn có thể thấy rõ qua ví dụ về mỹ phẩm trắng da, nếu như chúng ta chỉ tập trung nói quá nhiều về công dụng sản phẩm bằng văn bản khách hàng sẽ khó hình dung. Nhưng bạn có thể thay thế bằng một tấm ảnh so sánh làn da trước và sau khi sử dụng sản phẩm.
Một ví dụ khác, khi bạn kinh doanh giày thể thao - cảm giác mang rất khó để thể hiện bằng hình ảnh, lúc này bạn có thể mô tả các chất liệu làm nên sản phẩm để khách hàng có thể tưởng tượng về độ êm ái và cảm giác khi mang vào chân.
Nếu bạn làm tốt điều này, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để lo cho doanh nghiệp thay vì tốn thời gian trả lời các câu hỏi về sản phẩm mà đáng ra bạn phải cung cấp ngay từ đầu.
3. Làm nổi bật nút/lời kêu gọi hành động
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng không nhiều doanh nghiệp để ý đến. Xoay quanh việc làm nổi bật nút kêu gọi, các nhà tâm lý học hành vi đã tiến hành một nghiên cứu để chứng minh màu sắc ảnh hưởng như thế nào tới hành vi mua hàng của người dùng.
Sau cuộc thử nghiệm cho 500 người thường xuyên mua hàng trực tuyến, đa số họ bị thu hút và có hành vi nhấp nhiều hơn đối với các nút kêu gọi có màu sắc đỏ, cam và vàng. Tuy nhiên, sự lựa chọn này không hoàn toàn đúng ở tất cả trường hợp, vì nếu bạn chọn màu sắc nút kêu gọi hành động không phù hợp với tổng thể trang web sẽ gây cảm giác khó chịu cho người dùng.
Bạn có thể tham khảo màu sắc nút kêu gọi hành động của các website lớn cùng ngành và sau đó thực hiện các bài khảo sát để mang lại kết quả tốt nhất.
4. Giúp khách hàng kết nối dễ dàng hơn
Nhắn tin trực tiếp với nhân viên chăm sóc khách hàng luôn được đánh giá mang lại độ hài lòng cao nhất trên các kênh hỗ trợ; khách hàng thích được phản hồi một cách nhanh chóng, đa nền tảng vì điều này cho họ cảm giác sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
Một ví dụ trực quan về điều này, bạn có thể thấy Haravan luôn đặt nút chat Facebook trên các website Haravan; với những câu hỏi thường gặp Haravan sử dụng chatbot Harafunnel để giải đáp thắc mắc của khách ngay tức thì điều này không những giúp họ dễ dàng đưa ra quyết định sáng suốt mà còn giúp nâng cao sự tín nhiệm của doanh nghiệp.
5. Mô tả sản phẩm của bạn bằng video hoặc ảnh động
Một trong những nhược điểm rõ ràng của việc mua sắm trực tuyến so với việc mua trực tiếp tại cửa hàng là không thể chạm, cảm nhận và kiểm tra thực tế một sản phẩm.
Vì thế việc sử dụng hình ảnh rất quan trọng trong việc mua sắm trực tuyến nhưng có những trường hợp hình ảnh không mang lại cảm giác thỏa mãn để người dùng quyết định mua sắm.
Ví dụ điển hình như bạn đi mua một con dao nếu chỉ với hình ảnh về sản phẩm, bạn sẽ không thể cảm nhận được độ sắc bén của nó. Nhưng chỉ cần một video hoặc ảnh động quay cảnh thái rau củ với con dao đó, khách hàng sẽ dễ hình dung hơn rất nhiều.
6. Hiển thị đánh giá từ khách hàng
Gần 95% khách hàng đọc các đánh giá trước khi quyết định mua hàng và các cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy, khách hàng tin tưởng đánh giá nhiều hơn các mô tả được cung cấp bởi doanh nghiệp.
Các đánh giá của khách hàng sẽ giúp bạn thiết lập niềm tin của khách hàng về sản phẩm. Vì thế hãy khuyến khích mọi người đóng góp nhận xét cho bạn một cách tự nhiên. Nếu bạn muốn dễ dàng cho phép khách hàng thêm đánh giá trên các trang sản phẩm của mình, hãy đến Cửa hàng ứng dụng Haravan và chọn ứng dụng Product Reviews.
Bạn có thể tặng một lợi thế hoặc tạo một mã giảm giá nhỏ khi khách hàng để lại nhận xét là một mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng.
7. Thể hiện các chứng nhận một cách rõ ràng
Nếu sản phẩm của bạn được chứng nhận hoặc được cấp một con dấu phê duyệt có uy tín, hãy cố gắng thể hiện điều đó trong trang sản phẩm. Việc thể hiện các chứng nhận này sẽ giúp củng cố niềm tin của khách hàng.
Trong trường hợp bạn không có các chứng chỉ từ một tổ chức, bạn có thể tự tạo các chứng chỉ về sản phẩm như “Made in Viet Nam”, “Hoàn toàn từ thiên nhiên”, “Không chứa chất bảo quản” để thay thế cho các gạch đầu dòng nói về sản phẩm.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các chứng nhận để thể hiện các chính sách của doanh nghiệp. Như miễn phí đổi trả trong vòng 30 ngày hay giao hàng trong 2 tiếng.
8. Upsell và bán chéo một cách phù hợp
Mục tiêu của trang sản phẩm là bán hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thực sự đã mất khách hàng vì cố gắng nhồi nhét các trang sản phẩm với các ưu đãi và liên kết bổ sung không liên quan đến sản phẩm mà khách đang xem.
Upsell và Cross sell là chìa khóa để tăng giá trị đơn hàng trung bình của bạn nhưng kiểm duyệt và tổ chức là điều tối quan trọng. Nếu bạn không thể hiện các sản phẩm upsell và bán chéo phù hợp có thể làm cho khách hàng do dự.
Khách đang có nhu cầu mua một đôi giày để chạy bộ, họ không quá quan tâm đến màu sắc và chất liệu - đơn giản là vừa túi tiền thì họ mua. Sau một hồi lựa chọn, họ quyết định dừng lại ở sản phẩm A nhưng kéo xuống dưới họ thấy bạn đang giảm giá 15% cho đôi giày B cùng chức năng với mức giá rẻ hơn và sau đó họ quyết định mua đôi giày B. Đây là ví dụ điển hình cho việc gợi ý và tổ chức sai để phục vụ upsell và bán chéo.
Nếu bạn tổ chức và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, họ muốn mua một đôi giày chạy bộ thì có khả năng sẽ mua thêm vài đôi tất (vớ) để mang cùng. Thế là khách hàng thoải mái mua thêm vài đôi tất cho thuận tiện và bạn vừa tăng giá trị đơn hàng một cách tự nhiên.
Để gợi ý các sản phẩm khác một cách tiện lợi, hãy đến Cửa hàng ứng dụng Haravan và chọn ứng dụng Product Recommender.
9. Thông báo khi có hàng
Khi một trong những sản phẩm tạm thời hết hàng, bạn có thể cho khách hàng thêm tùy chọn để lại thông tin liên hệ để thông báo khi sản phẩm này được nhập về.
Bạn có thể cho khách hàng để lại email nếu họ muốn nhận và kênh này, ngoài ra bạn có thể dùng Harafunnel và gắn chọ họ một tag riêng về sản phẩm, khi có hàng bạn chỉ cần lọc ra những khách hàng thuộc tag này và gửi cho họ một tin nhắn kèm một khuyến mãi đặc biệt.
Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tăng chuyển đổi hơn vì họ đã có nhu cầu trước đó và mang lại một doanh số tiềm năng trong tương lai cho bạn.
Các trang sản phẩm được xem là huyết mạch của cửa hàng trực tuyến. Nếu chúng có cấu trúc và thiết kế kém, bạn có thể làm trải nghiệm của khách hàng xấu đi.
Kỹ lưỡng hơn trong quá trình nghiên cứu sản phẩm và hành vi người tiêu dùng sẽ giúp bạn tạo nên một trang sản phẩm tuyệt vời. Bạn càng nỗ lực nhiều người mua hàng sẽ càng quan tâm đến sản phẩm và nâng cao niềm tin với doanh nghiệp của bạn.
Đôi khi, các thay đổi tưởng chừng như đơn giản ở trên có thể tác động đáng kể đến doanh nghiệp của bạn. Hãy cố gắng áp dụng và kiểm thử từng thành để tạo nên trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng của minh.
>>> Xem thêm: