Hãy tưởng tượng bạn lần đầu tiên truy cập vào một cửa hàng trực tuyến mới. Bạn chẳng biết gì về thương hiệu hay chất lượng sản phẩm và tự hỏi liệu doanh nghiệp này có cam kết làm hài lòng khách hàng? Như hầu hết những người mua hàng khác, bạn có thể tìm kiếm những đánh giá từ khách hàng cũ, xem họ có vừa ý với doanh nghiệp hay không trước khi quyết định mua hàng.
Nhưng khi cửa hàng của bạn hoàn toàn mới, chưa phát sinh doanh số và do đó, không có đánh giá hay bằng chứng nào để thúc đẩy khách hàng, làm thế nào để bạn tạo niềm tin cho khách hàng tiềm năng? Đây là một vấn đề nan giải mà hầu hết mọi doanh nhân mới phải đối mặt.
"Điều khó khăn nhất là chiếm được lòng tin khách hàng khi bạn chưa có khách hàng nào"
Vì lẽ đó, bạn cần kiếm được lòng tin của khách hàng trước cả khi họ chọn mua hàng của bạn. Trong bài viết dưới đây, bạn sẽ học được 9 chiến lược giúp bạn trả lời câu hỏi hóc búa này để thiết lập niềm tin và phát triển cửa hàng thương mại điện tử của bạn trong những ngày đầu.
Xem thêm: Xây dựng website kinh doanh cho người không rành công nghệ
1. Chia sẻ khía cạnh con người của thương hiệu
Là người tiêu dùng, chúng ta có xu hướng không tin tưởng vào các thương hiệu ngay từ đầu. Xét cho cùng, mục tiêu của họ vẫn là kiếm tiền từ ta. Nhưng chúng ta thật sự mở lòng tin tưởng mọi người nhiều hơn ta nghĩ.
Đó là lý do có một cách để vượt qua sự hoài nghi của người tiêu dùng: thể hiện khía cạnh con người trong thương hiệu của bạn. Hãy nghĩ đến việc tự giới thiệu bản thân – người đứng đằng sau doanh nghiệp - cho khách hàng của bạn. Điều này sẽ giúp nâng cao tính xác thực và uy tín cho thương hiệu của bạn.
Một nơi tuyệt vời để làm điều này là mục Giới thiệu (About us) trên website của bạn. Bằng cách tập trung vào bạn với tư cách là chủ doanh nghiệp thay vì chỉ nói về các sản phẩm, bạn có thể kể câu chuyện của mình và câu chuyện thương hiệu cùng một lúc. Điều này giúp khách hàng làm quen và hiểu bạn nhiều hơn, từ đó tạo nền tảng để họ tin tưởng vào doanh nghiệp của bạn.
Hãy xem qua ví dụ dưới đây từ nhãn hàng thời trang Eva de Eva.
Mục Giới thiệu không chỉ nêu kinh nghiệm cá nhân của chủ cửa hàng và chuyên môn của họ, mà còn thể hiện khao khát muốn thay đổi những khó khăn trong thực tại và giải thích lý do vì sao họ muốn mang đến điều tốt hơn cho khách hàng. Điều này xây dựng một dòng kết nối cảm xúc với khách hàng. Khía cạnh con người (tính chuyên môn và câu chuyện thực của chủ thương hiệu), giúp khách hàng cảm thấy hài lòng hơn khi mua hàng từ cửa hàng của họ.
2. Xây dựng mối quan hệ qua các bài viết
Các bài viết chất lượng là một công cụ mạnh mẽ để bạn kết nối với những người dùng mới, những người chưa biết bạn là ai. Nó cho bạn cơ hội để giới thiệu bản thân mà không khiến khách hàng có cảm giác bị hối thúc. Cập nhật blog thường xuyên cho thấy bạn đã đầu tư vào doanh nghiệp, ngành công nghiệp cũng như các vấn đề của khách hàng. Điều này luôn là một dấu hiệu tốt cho người tiêu dùng.
Nội dung bài viết cũng giúp khách hàng tiềm năng làm quen với thương hiệu của bạn, đặc biệt nếu bạn chia sẻ những câu chuyện thương hiệu riêng biệt. Điều này thể hiện tính cách thương hiệu và giúp mọi người cảm thấy như họ thực sự biết bạn và có thể tin tưởng bạn.
Điều này sẽ thực sự giúp ích khi bạn khuyến khích các cuộc thảo luận cho phép bạn kết nối với mọi người. Ngay cả khi người dùng chỉ để lại một lời nhận xét ngắn, điều này mang đến cho bạn cơ hội quý giá để trò chuyện trực tiếp, thiết lập mối quan hệ cá nhân thông qua màn hình của họ và mời họ xem lại cuộc trò chuyện một lần nữa.
Tiếp thị nội dung cũng là một cách đặc biệt để thể hiện sự hiểu biết của bạn. Nếu người tiêu dùng thấy rằng bạn, chủ sở hữu cửa hàng, thực sự hiểu rõ những công cụ bạn đang có, họ sẽ tin vào chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp.
Để tiếp thị nội dung hiệu quả, bạn phải cung cấp nội dung có giá trị và chất lượng cao theo một lịch trình đều đặn.
3. Cho khách hàng thấy rằng thông tin của họ được ưu tiên bảo mật
Hai chiến lược trên đã tập trung thể hiện sự đáng tin cậy của doanh nghiệp bạn. Đó là một khởi đầu quan trọng. Nhưng bạn sẽ cần đảm bảo rằng website của bạn trông cũng đáng tin không kém.
An ninh mạng thực sự là một vấn đề cần lưu ý khi tin tặc (hacker) xuất hiện trong cả những chuỗi doanh nghiệp bán lẻ lớn khiến người tiêu dùng luôn phải cảnh giác khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng của họ. Một cách để doanh nghiệp chống lại sự xâm hại của tin tặc là sử dụng các giao thức tăng cường bảo mật, điển hình là Https. Giao thức này chủ yếu dùng cho các trang web có giao dịch trực tuyến sử dụng thẻ thanh toán đơn hàng nhằm đảm bảo an toàn cho giao dịch, tránh những rủi ro bị lấy mất thông tin thẻ trong quá trình thanh toán.
Cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán là một cách khác để người tiêu dùng cảm thấy thoải mái hơn khi mua hàng từ website củabạn. Một số người mua hàng chỉ đơn giản là thích vài phương thức thanh toán nhất định hơn những cách khác. Thanh toán qua thẻ ATM nội địa và quốc tế, ví điện tử (như Momo, ZaloPay), dịch vụ COD,... là những phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay.
4. Làm nổi bật chính sách hoàn trả đơn hàng
Giữa lúc bạn đang cân nhắc việc thực hiện một đơn hàng, điều gì ngay lập tức khiến bạn cảm thấy an tâm hơn và mua hàng? Một chính sách hoàn trả hoàn hảo.
Chính sách hoàn trả tốt biểu hiện cho chất lượng của dịch vụ khách hàng. Chúng cho thấy rằng bạn ưu tiên trải nghiệm của khách hàng và bạn rất tự tin về sản phẩm, đến mức có thể hoàn lại tiền nếu khách hàng không thích chúng.
Chính sách hoàn trả làm giảm đến mức tối thiểu những rủi ro mà khách hàng của bạn phải chịu khi họ mua sắm trực tuyến. Nếu bạn có chính sách đổi trả sản phẩm miễn phí trong vòng 30 ngày, không nghi ngờ gì nữa, mọi người sẽ sẵn sàng mua hàng của bạn.
Một chính sách hoàn trả tuyệt vời cần phải được quảng cáo trên website của bạn.
- Tạo một trang nêu đầy đủ chính sách hoàn trả sản phẩm của doanh nghiệp (đây cũng có thể là một phần trong trang Câu hỏi thường gặp)
- Tại trang mô tả sản phẩm, dành một phần riêng nói về chính sách trả hàng.
- Đặt link liên kết chính sách hoàn trả của bạn tại chân trang của website.
5. Luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của khách hàng
Những khách hàng mới sẽ liên hệ với bạn thông qua nhiều phương pháp khác nhau, như email, số điện thoại hay tin nhắn Messenger. Họ có thể muốn biết về chính sách hoàn trả, ngày giao hàng hoặc thông tin sản phẩm. Hãy trả lời những câu hỏi này một cách nhanh chóng và kỹ lưỡng nhất có thể. Hãy nghĩ xem bạn sẽ tin tưởng ai hơn: một thương hiệu trả lời trong vòng hai phút với câu trả lời đầy đủ thông tin hay một thương hiệu mất một ngày để đưa ra câu trả lời bốn từ?
Tốc độ là yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời đại ngày nay, khi mà sự hài lòng tức thì đã khiến nhu cầu của người tiêu dùng trở nên cấp bách hơn. Vì lẽ đó, bạn rất cần tích hợp cổng trò chuyện (Messenger) trên trang web của mình. Lý tưởng hơn, bạn có thể tự động hóa kịch bản trả lời bằng chatbot (nền tảng HaraFunnel sẽ hỗ trợ bạn). Nếu khách hàng biết rằng họ sẽ nhận được phản hồi gần như ngay lập tức, họ sẽ sẵn lòng gửi câu hỏi và bạn có thể trò chuyện với họ để giải quyết các thắc mắc trong thời gian thực, thậm chí, bán thêm hoặc bán chéo các sản phẩm khác.
Trò chuyện trực tiếp đang trở thành yếu tố chính khi nhắc đến một dịch vụ khách hàng xuất sắc. Nó cũng là phương thức giao tiếp ưa thích của nhiều khách hàng, với 92% người cho biết họ cảm thấy hài lòng nhất khi chat trực tiếp với người bán hàng trong suốt quá trình mua hàng, và 53% người tiêu dùng thích trò chuyện trực tiếp hơn các phương thức liên hệ khác.
6. Cung cấp thông tin sản phẩm thật chi tiết
Khách hàng biết càng nhiều thông tin về sản phẩm họ chuẩn bị mua, càng có khả năng họ sẽ mua nó. Thay vì chỉ nói “chất liệu cao cấp”, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn chuyển thành “vải lụa tơ tằm”
Một số thông tin cần xem xét thêm vào mô tả sản phẩm của bạn bao gồm:
- Số đo chính xác của sản phẩm
- Trọng lượng chính xác của sản phẩm
- Thành phần sản phẩm/nguyên liệu sản xuất
- Thông tin bảo hành
- Các tính năng khác và lợi ích của chúng
Hãy sản xuất thật nhiều hình ảnh và video để chứng minh chất lượng sản phẩm và cách sử dụng nó. Điều này giúp khách hàng hình dung sự hiện diện của sản phẩm trong cuộc sống của chính họ. Sự hiện diện này càng rõ, khách hàng càng tin rằng bạn sẽ mang đến cho họ sản phẩm như bạn đã cam kết.
7. Cân nhắc việc tặng các sản phẩm mẫu
Tìm kiếm những khách hàng đầu tiên để bán hàng và có được những nhận xét tích cực có thể là một thách thức. Nhưng có một cách chắc chắn để đưa sản phẩm của bạn vào tay khách hàng: Hãy tặng nó.
Các sản phẩm mẫu hoặc quà tặng có thể khiến khách hàng quan tâm đến doanh nghiệp của bạn và tăng niềm tin trong họ bằng cách loại bỏ tất cả rủi ro. Đồng ý rằng việc cho khách hàng cơ hội "thử trước khi mua" không dành cho mọi loại hình doanh nghiệp, nhưng nếu bạn bán một sản phẩm mà bạn đủ khả năng để cho đi với số lượng nhỏ (thực phẩm, hóa mỹ phẩm), bạn có thể chiếm được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dễ dàng thuyết phục họ chi tiền sau đó.
Dưới đây là một số cách để tặng khách hàng sản phẩm mẫu miễn phí nhưng mang lại cho bạn kết quả thực tế:
- Tặng sản phẩm mẫu cho một nhóm người và nhờ họ nhận xét về chúng. Bạn có thể ghi nhận các đánh giá hoặc lời chứng thực và hiển thị chúng trên trang web của bạn để tạo uy tín.
- Gửi sản phẩm của bạn đến những influencer (người có ảnh hưởng) hoặc người viết blog có thể truyền thông tin đến đối tượng mục tiêu của bạn.
- Gửi các mẫu miễn phí thông qua các cửa sổ quảng cáo pop-up hoặc sự kiện để thu hút sự quan tâm. Những người thích sản phẩm sẽ tìm kiếm bạn sau này.
Hãy nhớ rằng các mẫu sản phẩm và quà tặng là một cách tuyệt vời để bắt đầu tạo dựng niềm tin, nhưng để những nỗ lực này có hiệu quả, bạn phải có những sản phẩm thật chất lượng để tối đa hóa lợi nhuận sau này.
8. Tận dụng trang Câu hỏi thường gặp để giải đáp mối quan tâm của khách hàng
Trang thông tin về những Câu hỏi thường gặp có thể mang đến nhiều điều cho bạn.
Nó có thể trả lời các câu hỏi của khách hàng về cả thương hiệu và sản phẩm của bạn, thể hiện chuyên môn của bạn, cung cấp thông tin sản phẩm và cho khách hàng thấy cách bạn điều hành doanh nghiệp của mình. Đây là một cách khác để người dùng làm quen với thương hiệu của bạn và cảm thấy thoải mái hơn khi mua hàng.
Các trang Câu hỏi thường gặp thường được viết với mục đích thông tin cho khách hàng, xóa bỏ thành kiến và giảm bớt sự lo âu khi mua hàng. Nó cũng cung cấp cho bạn một nơi khác để kể câu chuyện thương hiệu của bạn, nhắc lại những điều làm cho bạn khác biệt và cho khách hàng tiềm năng thấy lý do vì sao họ nên trở thành khách hàng của bạn.
Trang Câu hỏi thường gặp có thể bao gồm:
- Những phần thông tin về thương hiệu của bạn mà bạn chưa nêu được ở phần Giới thiệu hoặc Trang chủ
- Thông tin chung về sản phẩm mà khách hàng sẽ luôn lưu tâm
- Thông tin về các chứng chỉ hoặc giấy phép có thể thiết lập lòng tin, như chứng nhận An toàn thực phẩm do Bộ Y tế cấp
- Trả lời những câu hỏi mà khách hàng tiềm năng liên tục hỏi bạn hoặc hỏi đối thủ của bạn
9. Đừng để những lỗi sai nhỏ làm khách hàng mất lòng tin
Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đừng quên kiểm tra thật kỹ cửa hàng trực tuyến của bạn, từ hình ảnh trên máy tính để bàn đến thiết bị di động, từ thông tin trên trang chủ đến trang thanh toán.
Hãy hỏi đồng nghiệp và bạn bè xem liệu họ có cảm thấy tin tưởng khi vào trang web đủ để mua hàng từ nó. Nếu đủ, thì tại sao? Nếu không, thì điều gì đã tạo ra cảm giác khó chịu? Là vì trang chủ của bạn chưa đưa được thông tin rõ ràng về doanh nghiệp? Hay là vì thời gian vận chuyển không thể ước lượng được?
Có thể bạn biết chắc rằng bạn rất trung thực và đáng tin cậy, nhưng nó không có nghĩa là khách hàng cũng biết được điều đó.
Hãy rà soát và loại bỏ từ những lỗi nhỏ nhất. Nếu có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp trong những nội dung bạn chia sẻ, doanh nghiệp bạn có thể mất uy tín và tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng bị ảnh hưởng. Những liên kết bị lỗi trông cẩu thả, đồ họa kém chất lượng trông không chuyên nghiệp và rẻ tiền. Những điều này có vẻ nhỏ nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến việc khách hàng có tin tưởng bạn trong tích tắc hay không, vì vậy đừng bỏ qua những chi tiết này
"Hãy nhớ rằng: Niềm tin đến trước đơn hàng"
Niềm tin là một yếu tố cần thiết để mua hàng, đặc biệt là khi người mua hàng ngày nay có thể tiếp cận vô số lựa chọn sẵn có chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Mỗi chủ doanh nghiệp đều phải bắt đầu từ đầu, khi chưa có doanh số và nhận xét từ khách hàng cũ để tận dụng. Tuy nhiên, với những chiến lược trên, bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn để có được khoản doanh số đầu tiên và xây dựng uy tín, điều sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho khách hàng mới và thuyết phục họ mua hàng.
---
Với nền tảng website Haravan, người kinh doanh có thể xây dựng website kinh doanh đa kênh chuyên nghiệp nhanh chóng với chi phí hợp lý. Website đã tích hợp đủ mọi tính năng (thanh toán, giao hàng, bảo mật, báo cáo, livechat,...) để bán hàng ngay. Kết nối với các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki... để quản lý bán hàng đa kênh tiện lợi và tăng trưởng vượt bậc.
Bên cạnh đó, Haravan mang đến hơn 200 giao diện đẹp mắt phù hợp với nhiều ngành nghề kinh doanh. Website thân thiện với mọi thiết bị di động, chuẩn SEO, miễn phí hosting và băng thông không giới hạn giúp tối ưu tốc độ tải trang. Quản lý dễ dàng và hiệu quả mà không cần phải có kiến thức lập trình hay thiết kế. Bên cạnh đó, đội ngũ support luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7 trong suốt quá trình sử dụng website tại Haravan.
Vẫn còn rất nhiều tính năng vượt trội khác từ nền tảng website Haravan. Tạo website cho shop của bạn và trải nghiệm 14 ngày dùng thử MIỄN PHÍ ngay.