Thương hiệu là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, để thương hiệu tồn tại lâu dài trong lòng của người tiêu dùng thì nó phải độc đáo.
Rõ ràng rằng có hàng trăm, hàng ngàn cách đặt tên độc đáo cho một thương hiệu nhưng chỉ có vài màu sắc cơ bản để chọn làm chủ đạo và gắn bó suốt đời với thương hiệu của bạn. Vậy các màu sắc cơ bản đã ảnh hưởng ra sao đến các thương hiệu lớn và ý nghĩa của chúng như thế nào?
Màu sắc không phải là thuộc tính dễ dùng, vì chỉ có 6 tông màu cơ bản (đỏ, cam, vàng, xanh lá, xanh dương, tím) và 3 màu phối trộn (đen, xám và trắng) luôn được các công ty tin tưởng cho vào logo thương hiệu của mình. Vậy những màu này có ý nghĩa như thế nào về mặt xây dựng thương hiệu?
Hai màu nổi nhất…
Ta nên nhớ rằng tất cả các màu không gây tác động như nhau lên mắt người xem. Các màu về phía màu đỏ của quang phổ hơi tập trung vào phía trước võng mạc. Do đó khi bạn nhìn màu đỏ, thì nó có vẻ di chuyển đến gần mắt bạn. Những màu ở phía màu xanh của quang phổ thì hơi tập trung vào phía sau võng mạc. Do đó màu xanh dương có vẻ di chuyển xa bạn hơn. Cũng có thể vì lý do đó mà màu đỏ và xanh thường được sử dụng nhiều trên Thế Giới. Theo thống kê có đến 45% số quốc kỳ của các nước trên Thế Giới có tông đỏ chủ đạo và khoảng 20% có tông xanh dương.
Nói về màu đỏ…
Do là màu có thể thấy rõ nhất bởi mắt người, nên từ xa xưa con người đã rất tin dùng và tôn sùng màu đỏ (có thể thấy qua các hình vẽ bằng đất sét đỏ trong các hang núi cổ xưa). Trong cuộc sống, màu đỏ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho sự sống, sức khỏe, sinh lực, sự hăng hái, chiến tranh, sự tức giận và tình yêu. Tất cả các trường hợp trên đều có mối liên hệ với sự “Đam mê”.
Một số đại diện tiêu biểu cho nhóm này bao gồm các nhà bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, cần dùng màu đỏ để thu hút chú ý như: Coca-Cola, H&M, Budweiser, 3M hay Heinz…
Ngoài ra, sắc đỏ có nghĩa là nguy hiểm, nóng và lửa, tốc độ, máu và sự náo động. Một phần trong lý giải trên là do màu đỏ thường xuất hiện trên các biển báo cấm, nguy hiểm, nhưng một phần khác ở khía cạnh nhiệt huyết và tốc độ lại có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng thương hiệu, nó miêu tả chính xác đặc tính của các thương hiệu chuyên ngành kỹ thuật.
Có thể kể tên vài đại diện trong nhóm này như: Toyota, Honda, Kia Motor, Xerox, Canon…
Ở các nước Á Đông màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, chiến thắng ,vương giả và quý tộc. Điều này hiện nay được thể hiện khá rõ ở thị trường chứng khoán các nước này, màu đỏ để chỉ sự tăng giá chứng khoán (còn ở Bắc Mỹ thì ngược lại).
Các đại diện Á Đông theo nhóm này có thể kể đến : JVC (đặc trưng sự chiến thắng), LG (may mắn), SCG (sự vương giả của hoàng tộc Thái)…
Màu sắc cũng thể hiện đặc trưng nghề nghiệp mà doanh nghiệp đang làm, ví dụ điển hình nhất là sự tương đồng trong màu đỏ trong Hội chữ thập đỏ và màu đỏ của Johnson & Johnson.
Nó còn là hiện thân của những cuộc cạnh tranh và xâm lược. Chính vì lẽ đó màu đỏ có thể khá là khó chịu, gây cảm giác lo lắng hoặc kích động phụ thuộc vào độ đậm đặc của nó trên logo của bạn.
>> Đừng bỏ lỡ: Tâm lý học màu sắc trong marketing và branding
Màu xanh dương…
Xanh dương là màu tương phản với đỏ. Xanh dương tạo cảm giác an bình, yên tĩnh. Màu của sự nhàn tản, nhẩn nha. Màu xanh dương được coi là màu của sự thật, vì đây là màu của bầu trời. Bầu trời trong xanh khi không có mây hay bất kỳ vật cản nào, điều đó cho thấy một sự rõ ràng, phản ánh sự thật rõ nét. Trong thế giới của thương hiệu, màu đỏ là màu có tính cách của người bán lẻ, thu hút chú ý. Màu xanh dương lại là màu có tính cách của tập đoàn, tạo ra sự bình ổn, đáng tin cậy, rõ ràng, minh bạch và bao hàm cả khát vọng. Vì vậy không quá ngạc nhiên khi có tới 28 nhãn hiệu có yếu tố màu xanh dương trong top 100 thương hiệu toàn cầu 2012 (tỉ lệ này chỉ là 19 thương hiệu với màu đỏ chủ đạo – dựa theo số liệu của Interbrands.com).
Một số cái tên đi theo hướng này phải kể đến các tập đoàn lớn như: IBM, Samsung, GE, Intel, Panasonic, facebook hay Visa…
Do màu đỏ và xanh tương phản với nhau mà do đó các đối thủ đi sau thường sử dụng màu đối lập để tạo dấu ấn thương hiệu và sự đối lập mạnh mẽ với thương hiệu đi trước, nhằm tạo dấu ấn nhận dạng trong mắt người tiêu dùng. Điển hình như Coca-cola màu đỏ thì đối thủ Pepsi dùng màu xanh dương đối trọng, trường hợp tương tự cũng diễn ra như ở Samsung với LG, Panasonic và Toshiba…
>>> Có thể bạn quan tâm: Tâm lý học về màu sắc và người tiêu dùng có mối quan hệ như thế nào?
Màu xanh lá…
Là màu cơ bản còn lại trong hệ màu RGB. Ngay từ tên gọi, màu xanh lá đã đem lại cho ta cảm giác của tự nhiên. Nhưng ngoài ra, nó còn tượng trưng cho sự thông thái. Điều này bắt nguồn từ cổ xưa, người Ai Cập tin rằng, vị thần Thoth của họ sẽ dẫn lối linh hồn đến một “ngọn đồi xanh của sự sống và trí tuệ vĩnh hằng”. Xanh lá cũng là màu của môi trường và sức khỏe do đó các thương hiệu vì môi trường hay sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên cũng tập trung thể hiện trên nền màu này. Bên cạnh đó màu xanh lá mang trong nó tính trung lập, sự phát triển, tiền bạc, khiêm tốn và thông thái. Đây là một màu mang sắc thái của lòng tốt, khoan dung và thường được chọn cho những trang về tài chính hoặc những trang thể hiện sự đang phát đạt.
Tiêu biểu cho nhóm này phải kể đến: Starbuck, Bp, Groupon, John Deree hay Heneiken…
Màu cam…
Một màu ấm áp bao hàm cái ấm của vùng nhiệt đới, nơi khơi nguồn loại cái cây đặc trưng làm ngất ngây cả Thế Giới – trái Cam. Nó cũng thể hiện sự sang trọng, niềm say mê và vẻ đẹp kỳ lạ. Màu vàng cam thể hiện sự nhiệt tình, rung động và chan hòa. Logo của bạn có thể quyến rũ ngay bằng cái nhìn đầu tiên khi bạn chọn màu Vàng Cam.
Đại diện nhóm này bao gồm: Orange, Hermes Paris, Fanta, T-mobile, Blogger hay Satander…
Màu tím…
Một màu tiềm ẩn sự bí hiểm, hoàng gia và thiêng liêng. Với kiểu logo phá cách, sáng tạo và tự hào là một dạng duy nhất, thương hiệu của bạn sẽ rất cuốn hút với một chút chấm phá màu của loài hoa oải hương tim tím trên đó. Màu tím cũng mang trong nó sự công bằng, nhẹ nhàng, lan tỏa và chân lý.
Có thể bắt gặp một số it logo thương hiệu đi theo hướng này như: Yahoo!, Citi Group hay Danone.
Màu Vàng…
Màu vàng được coi là biểu tượng cho sự hạnh phúc ở nhiều nền văn hóa bởi đó là màu sắc ấm áp, màu của nắng. Ngoài ra, ở những nước như Ai Cập và Trung Quốc, màu vàng tượng trưng cho sự tối cao, chỉ dành do vua chúa. Tuy vậy, ở một số nơi, màu vàng còn biểu hiện cho sự hèn nhát và dối trá. Màu vàng là màu mang cảm giác hạnh phúc, một màu thể hiện trí tuệ, lòng tin, sự hào hiệp và tình bạn. Màu vàng cũng thể hiện sự tự tin, lý tưởng hoá và tưởng tượng phong phú. Trừ khi công ty của bạn mang một màu sang, cảm giác vui vẻ mà bạn muốn thể hiện trên logo, màu vàng có thể được sử dụng rất tốt nếu dùng làm màu nền.
Một số đại diện cho nhóm này bao gồm : Bestbuy, McDonal, Shell, Ferrari …
>> Thông tin thêm: Tác động to lớn của màu sắc lên hành vi mua sắm tại cửa hàng
Màu đen, trắng và xám…
Những nền văn hóa cổ xưa tin rằng, màu đen chứa đựng sự bí ẩn, trong đó “cái chết” được coi là bí ẩn lớn nhất, thường được mệnh danh là màu của tang tóc, nặng nề và ảm đạm. Dù cho nó cũng mang trong mình một chút gì đó của sự tao nhã quý phái, tinh tế và bí hiểm. Ngược lại với màu đen màu trắng lại mang trong minh sự thanh khiết, trẻ trung và đơn giản, màu trắng có thể làm nền cho tất cả các màu vì nó mang lại cảm giác dễ chịu nhất cho mắt. Có lẽ trong một chút bí ẩn, mạnh mẽ, tinh tế và quý phải của màu đen, một chút dễ chịu, đơn giản, trẻ trung của màu trắng, lại được các nhà làm thương hiệu rất thích sử dụng, đặc biệt là các thương hiệu thời trang toàn cầu. Sự kết hợp đen nền trắng, trắng nền đen được thể hiện một cách tràn ngập trong ngành thời trang và giải trí thế giới.
Tiêu biểu với các đại diện : Louis Vuiton, Disney, Nike, Adidas, Mtv, Prada, Avon Hay Cartier…
Quả là thiếu sót khi kết bàn không nhắc đến màu ghi xám – màu có sắc độ trung hòa giữa trắng và đen. Màu này mang trong mình các đặc tính của cả trắng và đen và nổi lên trên cả là thể hiện sự trung lập, kiên định và thông thái. Các đại diện với màu xám chủ đạo tuy không nhiều nhưng hầu hết đều là những thương hiệu sừng sỏ có thể kể đến : Apple, Nintendo hay Nestle…
>> Xem thêm:
Nguồn: Brands Vietnam