Đừng tưởng bán rong là đơn giản, chỉ cần học vài kinh nghiệm bán hàng rong là đã xong. Bạn thử ôm nguyên một thúng "xoài, me, cóc ổi" gánh rong ngoài đường để bán thử xem sao?
Để vượt qua định kiến của người khách hàng sẵn có, nào là bán hàng rong là kém chất lượng, mất vệ sinh, làm xấu mỹ quan đô thị, làm phiền ngưới khác, lố nha, lố nhố... người bán rong phải vận dung rất nhiều thủ thuật, kinh nghiệm cũng như lời rao của mình để hấp dẫn khách hàng, khiến họ không cưỡng lại được mà móc tiền ra. Vậy đâu là những kinh nghiệm và phương thức của họ?
1. Biết chọn địa điểm phù hợp
Bạn có bao giờ thắc mắc, tại sao họ lại ngồi ở gốc cây này chứ không phải gốc cây khác? tại sao nơi họ dựng xe lại có chỗ cho khách hàng dừng xe khi muốn mua hàng?... mà càng quan sát, bạn sẽ càng khâm phục cách kinh doanh của những người mà trình độ văn hóa đôi khi chưa hết cấp 1, cấp 2 ấy. Với những người bán các loại đồ ăn như cá viên chiên, bắp nướng, khoai nướng..., họ luôn chọn đứng ở những địa điểm có hướng gió thổi mạnh và ít kẹt xe. Do đó, dù không có nhu cầu ăn uống, nhưng những người đi đường hầu như không thể nào “kiềm chế” được trước mùi vị hấp dẫn liên tục đập vào mũi “mời gọi”.
Chọn nơi mát, không gian rộng
2. Người bán rong cũng là chuyên gia tâm lý
Những người bán đồ chơi trẻ em như bong bóng, xe hơi,... thì họ xúc tiến việc bán hàng bằng cách “níu kéo” trẻ em thay vì cha mẹ, những người có ảnh hưởng đến người trả tiền. Họ tâm lý đến nỗi biết rằng khi trẻ em đòi thì không cách gì cha mẹ từ chối được, chỉ cần giá không quá cao. Cho nên người đi đường thường thấy những cháu bé chân bước theo mẹ mà mắt cứ ngoái lại phía sau trong khi người bán hàng tìm mọi cách biểu diễn hết công năng đồ chơi để thu hút ánh nhìn của nó... Ngưới bán bong bóng là hóa trang thành chú hề, người bán đồ chơi thì làm đồ chơi chạy lanh quanh vui mắt... người bán kẹo gòn biểu diễn làm kẹo đủ màu sắc...
Chú hề bán bong bóng
Cuối cùng, nhiều bé chẳng chịu đi mà cứ níu tay mẹ lại dù người bán hàng chưa cần lên tiếng chào mời... Và tại sao giữa bao nhiêu người đi đường, người bán vé số cứ mời bạn hoặc mời bạn nhiệt tình hơn so với người khác? Bởi họ nhìn thấy ánh mắt bạn hướng tới xấp vé số, chứng tỏ bạn có quan tâm tới sản phẩm mà họ bán, hoặc bạn đang động lòng trắc ẩn mà thương cho hoàn cảnh của họ... xác xuất bạn mua hàng sẽ cao hơn.
3. Làm Marketing cho sản phẩm cũng thuộc hàng giám đốc, trưởng phòng
Kinh nghiệm bán hàng rong của họ dễ thấy nhất là ở chỗ cách người bán quảng cáo sản phẩm "đập" vào mắt người đi đường, khiến họ bị kích thích sự quan tâm mà phải dừng xe, tham khảo.
Trưng giá sản phẩm phải nghệ thuật
Các xe hàng rong của Sài Gòn đa phần đều có tấm biển giấy những câu kiểu như thế này: “Bưởi năm roi 10 ngàn 1/2kg. Bao ngon!”, " Chôm Chôm Bến Tre 5 ngàn 1/2kg, bao ngọt" Chỉ thế thôi đã có đầy đủ thông điệp về sản phẩm: nguồn gốc, giá cả và cam kết chất lượng vỏn vẹn trong một câu vài chữ, nhưng cũng đủ kích thích người qua lại. Không phải ngẫu nhiên mà họ để 1/2 kg chi cho tốn mực, mà là muốn thu hút ánh nhìn bằng cái giá rẻ chỉ: 5 ngàn, 10 ngàn... cho khách quan tâm. Cái số "1/2" bạn nhìn tét mắt mới thấy được bởi chữ quá nhỏ để nhìn đằng xa.
Nhiều khi tôi còn tưởng họ đang "bỏ bùa" trên bảng giá hay sao mà ai đi ngang qua cũng liếc mắt đưa nhìn. Mà một khi khách hàng đã quyết định đi chậm lại, dừng xe để "thăm hỏi", thì rất ít có trường hợp khách không mua hàng.
Bảng giá của người bán rong
3.2 Rao chào hàng còn hơn cả MC truyền hình
Nếu bạn đã từng được nghe những lời rao bán của người bán hàng rong, bạn có để ý được âm điệu và chất giọng lọt tai mà "khó hiểu" những gì họ đang rao lên, đã vậy còn rao liên tục trong thời gian dài mà không khản cổ còn hơn cả MC... Nhiều người nghe lời rao vui tai, nhiều người thấy nó thú vị, nhiều người cảm thấy rất tò mò rồi ngồi đoán họ rao cái gì. Tất cả đó, không tạo cho người nghe sự nhàm chán, ức chế... mà còn cho họ sự tò mò, vui vẻ... đúng là nghệ thuật thật. Bạn không tin thì có thể thử làm... chắc chưa được 1 phút đã khiến những người xung quanh khó chịu.
3.3 Nhanh trí trong việc xử lý tình huống
Sài Gòn gần đây có nhiều chiếc kệ ngoài đường bán Sim G-Mobile : 99.000 VNĐ 1 cái sim và được tặng một cái nón bảo hiểm. Bạn cũng biết rồi đấy, 2 nhà mạng lớn nhất Viettel với Mobiphone đã làm chủ thị trường mạng điện thoại. Cực kỳ khó để chen chân vào, đã vậy tâm lý người mua lại ngại thay đổi số điện thoại.
Làm sao mà có thể bán Sim G-mobile ngoài vỉa hề, lề đường được đây? đợi cả ngày sẽ có bao nhiêu người mua? Hầu hết tôi thấy người đứng sau các kệ hàng đều là các cậu sinh viên làm thêm còn trẻ măng, đứng đó nhìn xe qua lại rồi cứ rao "Số đẹp - quà ngon" , nhưng cũng chẳng mấy ai quan tâm... khách hàng cũng chẳng thấy một bóng. Nhưng trong một buổi tối, vô tình đi qua góc đường Hoàng Văn Thụ, tôi lại thấy một đám đông khoảng 20 người dừng xe nhìn vào một hướng trên lề đường. Tại đó có một anh tầm 40 tuổi cầm mũ bảo hiển đập mạnh liên tục xuống đất, còn có một chị đang bán sin cho một vài khách đang đợi. Đập được một chốc, anh chàng đổi sang cầm cây búa nhỏ để đập vào chiếc mũ... mà nó vẫn không sứt mẻ.
Có thể thấy, cách "đập mũ, bán Sim" này là một việc làm táo bạo, thông minh. Người bán sẵn sàng hy sinh vài chiếc mũ để bán được một lố Sim còn hơn là ngồi đợi cả ngày mà chỉ bán được vài cái. Kinh nghiệm bán hàng rong thật đáng học hỏi cho các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh.
Bán Sim G-mobile tặng mũ bảo hiểm
Kinh doanh thành công là biết tạo ra nhu cầu cho khách hàng, chọn đúng khách hàng mục tiêu và biết họ cần gì để phục vụ kịp lúc. Tất cả những điều này, giới kinh doanh đều được học qua nhưng chưa chắc làm được. Trong khi đó, những người bán hàng rong dù chưa học qua bao giờ nhưng họ thực hành rất thành công và rất bài bản. Trong thực tế, cũng đã có không ít người đã trở thành đại gia từ những ngày rong ruổi bán hàng vì họ đã từng tiếp cận nhu cầu khách hàng một cách gần gũi, xác thực nhất.
Đọc thêm:
Những điều nên biết trước khi muốn khởi nghiệp với Beauty Salon
Các bước mở quán bánh canh vốn nhỏ
7 Loại sản phẩm Made in China ở Việt Nam. Đâu là hình thức phát triển kinh doanh phù hợp cho nhà bán hàng?