Theo quy định thì người dân có mức thu nhập từ tiền lương và tiền công trong ngưỡng quy định sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan Thuế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách tính thuế thu nhập cá nhân chính xác và những quy định về loại thuế này. Cùng tham khảo ngay tại bài viết này nhé!
1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân được tính dựa trên mức thu nhập và các khoản giảm trừ theo quy định của pháp luật
Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế mà cá nhân phải nộp cho Nhà nước dựa trên số tiền thu nhập mà họ kiếm được trong một năm tài chính. Thuế thu nhập cá nhân được tính dựa trên mức thu nhập và các khoản giảm trừ được quy định theo quy định của pháp luật.
Thu nhập bao gồm tất cả các nguồn thu nhập của cá nhân từ lương, tiền thưởng, tài sản cho thuê, lợi nhuận từ đầu tư, và các khoản thu nhập khác.
2. Đối tượng áp dụng tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương và tiền công
Căn cứ theo điều 2 luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 quy định về đối tượng nộp thuế gồm 2 nhóm đối tượng sau:
(1) Cá nhân cư trú là cá nhân có nơi ở/ nhà thuê thường xuyên tại Việt Nam theo quy định của pháp luật với thời hạn của các hợp đồng thuê nhà từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế hoặc cá nhân có nơi ở thường xuyên, có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong 1 năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong đó, ngày đến và ngày đi sẽ được tính là 1 ngày.
02 trường hợp áp dụng tính thuế TNCN của cá nhân cư trú là:
- Cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
- Cá nhân ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động.
(2) Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2023
3.1 Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú
A. Đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
- Thu nhập chịu thuế TNCN = Tổng thu nhập - Các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN
- Tổng thu nhập được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
- Các khoản thu nhập được miễn thuế được xác định là thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của pháp luật. (Xem thêm tại Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Các khoản giảm trừ bao gồm các khoản giảm trừ gia cảnh:
- Đối với người nộp thuế: Mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm.
- Đối với người phụ thuộc: Mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu đồng/người/tháng.
- Ngoài ra, giảm trừ gia cảnh còn bao gồm các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Thuế suất:
- Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với đối tượng ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần, cụ thể:
Bảng quy định thuế suất theo thu nhập
- Có thêm tham khảo thêm công thức tính thuế thu nhập cá nhân rút gọn, công thức tính thuế thu nhập cá nhân chuẩn tại bảng dưới đây:
Công thức tính thuế theo mức thu nhập cá nhân
B. Đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng
Công thức thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả
3.2 Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú
Cá nhân không cư trú được xác định là người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú được quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế TNCN x Thuế suất 20%
Trong đó, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
Một số thông tin cần lưu ý:
- Thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập được xác định là thời điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương, tiền công.
- Thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm được xác định là thời điểm xác định thu nhập chịu thuế thu nhập đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy.
4. Cách tính thuế thu nhập cá nhân online năm 2023
Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian và không phải đau đầu vì những công thức tính toán, bạn có thể tính thuế TNCN trên các nền tảng trực tuyến dưới đây: (Nguồn: https://ebh.vn/)
4.1 Cách tính thuế TNCN online trên luatVietNam
Cách tính thuế TNCN online trên luatVietNam
Bước 1: Truy cập vào hệ thống tính thế TNCN của LuatVietNam - https://luatvietnam.vn/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html (1)
Bước 2: Nhập tổng thu nhập (bắt buộc). Ví dụ Tổng thu nhập của bạn là 20 triệu/ tháng (2)
Bước 3: Nhập số người phụ thuộc. Ví dụ là 2 (3)
Bước 4: Nhận kết quả về Thuế TNCN phải nộp của cá nhân. Như vậy thuế thu nhập bạn phải nộp trong tháng đó là 10.000 VNĐ (4)
Lưu ý: (*) Tổng thu nhập: gồm lương tháng (đã trừ bảo hiểm bắt buộc) và thưởng.
- Áp dụng đối với tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công
- Áp dụng đối với người nhận lương net (lương nhận được đã trừ bảo hiểm 10.5%)
Diễn giải cách tính thuế TNCN trên như sau:
- Giảm trừ bản thân = 11.000.000 vnđ
- Giảm trừ người phụ thuộc = 2 x 4.400.000 = 8.800.000 vnđ
- Thu nhập chịu thuế = 20.000.000 - 11.000.000 - 8.800.000 = 200.000 vnđ
+ Bậc 1: Thu nhập tính thuế đến 05 triệu đồng, thuế suất 5%: 200.000 × 5% = 10.000 vnđ
Như vậy, Thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế = 10.000 vnđ
4.2 Cách tính thuế thu nhập cá nhân trên Thuvienphapluat
Cách tính thuế thu nhập cá nhân trên Thuvienphapluat
Để thực hiện tính thuế thu nhập cá nhân online sử dụng tiện ích tính thuế TNCN của thuvienphapluat, bạn thực hiện các bước như hướng dẫn sau:
Bước 1: Bạn truy cập tiện ích tính thuế TNCN của Thuvienphapluat - https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan.html (1)
Bước 2: Nhập thu nhập tháng,thường tính bằng tiền lương ghi trên hợp đồng. Ví dụ là 20 triệu/ tháng (2)
Bước 3: Nhập lương đóng bảo hiểm, nếu bạn không tự nộp bảo hiểm thì mức đóng này =0 (3)
Bước 4: Nhập số người phụ thuộc. Ví dụ người nộp thuế có 2 người phụ thuộc là vợ/con thì điền là 2 (4)
Bước 5: Nhận kết quả thuế TNCN phải nộp (5)
Lưu ý: Thu nhập tháng thường tính bằng tiền lương ghi trên hợp đồng của tiện ích này là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật thuế TNCN, đã tính các khoản giảm trừ sau:
- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện.
- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Mức tiền lương tháng thấp nhất để đóng BHXH không được thấp hơn mức tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Diễn giải cách tính thuế TNCN trên thuvienphapluat như sau:
- Mức đóng: BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%)
- Bảo hiểm bắt buộc = 0 x 8% + 0 x 1,5% + 0 x 1% = 0đ
- Giảm trừ bản thân = 11.000.000 vnđ
- Giảm trừ người phụ thuộc = 2 x 4.400.000 = 8.800.000 vnđ
- Thu nhập tính thuế = 20.000.000 - 0 - 11.000.000 - 8.800.000 = 200.000 vnđ
- Mức thuế áp dụng đối với 200.000 theo bảng biểu thuế lũy tiến từng phần là 5%
- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 200.000 x 5% = 10.000 vnđ
Như vậy với 2 cách tính thuế thu nhập cá nhân online trên đây người nộp thuế có thể dễ dàng tính được mức thuế TNCN phải nộp của mình một cách dễ dàng và thuận tiện.
5. Thu nhập chịu thuế bao gồm những gì?
Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập mà cá nhân được chi trả
Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập mà cá nhân được chi trả, không bao gồm các khoản dưới đây:
- Tiền ăn trưa, ăn giữa các ca làm việc.
- Tiền phụ cấp điện thoại.
- Tiền phụ cấp trang phục.
- Tiền công tác phí.
- Thu nhập từ phần tiền lương hoặc tiền công mà lao động làm thêm giờ, làm đêm.
6. Các khoản giảm trừ thuế TNCN
Các khoản giảm trừ thuế TNCN bao gồm:
(1) Giảm trừ gia cảnh.
Theo Luật Thuế TNCN giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng chịu thuế là cá nhân cư trú.
Căn cứ theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 như sau:
Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu/ tháng (132 triệu/năm) và giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu/người/tháng.
(2) Các khoản BHXH bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN) và bảo hiểm trong một số lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt.
(3) Các khoản cá nhân đóng góp cho từ thiện, khuyến học hoặc nhân đạo: Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế và phải có tài liệu chứng minh.
Trong đó, điều kiện để tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là:
- Người nộp thuế sẽ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu đã đăng ký và được cấp mã số thuế.
- Người nộp thuế cần có hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.
7. Một số câu hỏi liên quan đến thuế TNCN
Một số câu hỏi liên quan đến thuế thu nhập cá nhân
(Nguồn: Kế toán Anpha)
1. Năm 2020 tôi đang ký hợp đồng lao động tại công ty X và tôi có 1 khoản thu nhập vãng lai ký hợp đồng dịch vụ với công ty Y là 20.000.000 đồng. Cho tôi hỏi khoản thu nhập ở công ty Y có bắt buộc phải kê khai quyết toán tại công ty X hay không?
Theo Nghị định 126, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại một nơi và đang làm thực tế tại doanh nghiệp, có thu nhập vãng lai trong năm bình quân không quá 10tr/tháng và đã khấu trừ 10% thuế TNCN tại nguồn, nếu không có nhu cầu quyết toán khoản thu nhập tại công ty Y thì cá nhân không cần phải quyết toán với khoản vãng lai thu nhập từ công ty Y.
2. Cuối năm công ty có tổ chức tiệc tất niên có phần thi bốc thăm trúng thưởng cho từng cá nhân và tập thể, như vậy khoản thưởng này có được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân hay không?
Căn cứ Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111 và Nghị định số 65 quy định:
>> Nếu quà tặng ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân;
>> Nếu nội dung chi thưởng không ghi tên cá nhân cụ thể, mà là một tập thể chung thì trường hợp này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
3. Tôi đã nghỉ hưu và có lương 5 triệu đồng một tháng. Hiện tại, tôi có đi làm với mức lương 11 triệu đồng. Với tổng khoản lương đó thì tôi có phải đóng thuế TNCN không?
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, khoản tiền lương hưu trí 5 triệu đồng/tháng là thu nhập được miễn thuế. Ngoài ra bạn có đi làm và có thu nhập tiền lương là 11 triệu đồng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và không phải quyết toán thuế (do khoản giảm trừ bản thân là 11 triệu đồng/tháng).
4. Hiện tại do lượng hàng sản xuất nhiều nên doanh nghiệp chúng tôi có thuê mấy bạn cộng tác viên có thu nhập mỗi tháng dưới 2 triệu đồng/tháng. Thì khoản tiền công đó có phải khấu trừ 10% để đóng thuế TNCN không?
Theo Thông tư 111, khoản thu nhập của cộng tác viên trên không phải khấu trừ thuế TNCN.
8. Kết luận
Hy vọng qua bài viết này đã giúp bạn biết cách tính thuế thu nhập cá nhân chính xác và hiểu rõ hơn về những quy định, các khoản giảm trừ khi tính thuế TNCN. Đây là khoản thuế được quy định phải đóng theo mức tiền lương và tiền công nhận được, do đó bạn lưu ý đóng thuế thu nhập cá nhân đúng hẹn nhé!
Doanh nghiệp đang có định hướng kinh doanh đa kênh, kết nối với đa sàn thương mại điện tử thì giải pháp Haravan là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay. Giải pháp Omnichannel - giải pháp bán hàng đa kênh, quản lý tập trung giúp tối ưu hiệu suất kinh doanh online trên Website, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo), sàn Thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada) cho đến chuỗi cửa hàng. Đăng ký dùng thử ngay!