Xưởng may "không tiếng chuyện trò" của ông chủ Tây Ban Nha tại Hà Nội

Bước chân vào xưởng may trong ngôi nhà nằm ven Hồ Tây, không ít người ngạc nhiên trước không khí làm việc rất tĩnh lặng tại đây. Những người thợ may, thợ vẽ thay vì dùng lời nói để giao tiếp, họ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu vì 80% nhân viên trong xưởng may là người khiếm thính hoặc khuyết tật vận động. Một cách rất lặng lẽ, hàng ngày họ cho ra đời những bộ váy áo với kiểu dáng độc đáo, đầy quyến rũ…

IMG_9697-e1b78

Không khí làm việc yên lặng, tập trung trong xưởng may.

Chủ xưởng may đặc biệt trên là anh Diego Cortiza đến từ Tây Ban Nha. Cách đây 10 năm, Diego cùng vợ tới Hà Nội, những nét đẹp ẩn náu trong từng con đường góc phố, trong tà áo dài duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, trong điệu ca trù lay động tâm hồn… đã “mê hoặc” họ. Chính vì thế, gia đình Diego quyết định chọn Việt Nam làm điểm dừng chân sau khi từng sinh sống tại một số nước trên thế giới.

IMG_9662-e1b78

Nhà thiết kết Diego Cortiza đến Việt Nam được 10 năm, anh dồn rất nhiều tâm huyết vào xưởng may.

Giống như nhân duyên, nhân viên của xưởng may ngày mới thành lập là những người khiếm thính. Qua quá trình làm việc, Diego nhận thấy ở họ những phẩm chất đặc biệt vượt trội hơn hẳn so với người bình thường đó là khả năng tập trung cao, óc sáng tạo tuyệt vời và cả sự nhạy cảm với những mảng màu sắc, họa tiết, hình khối…

“Có thể vì họ không nghe hay nói chuyện như những người bình thường được nên những giác quan khác sẽ thính nhạy hơn. Những người thợ làm việc tại đây có đôi tay rất khéo léo, khi làm việc họ tập trung cao độ và không bị tác động bởi những thứ xung quanh. Khi chúng ta trao cơ hội cho những người kém may mắn, họ sẽ cố gắng gấp đôi và hoàn thành tốt công việc của mình” – Diego chia sẻ.

IMG_9651-e1b78

Những người thợ khiếm thính luôn tập trung cao độ trong công việc, họ đặc biêt nhạy cảm với những mảng màu sắc và hình khối.

Ban đầu xưởng may chỉ gồm vài người sau đó phát triển dần lên cho đến nay đã có khoảng hơn 40 nhân viên. Những người thợ may, thợ vẽ khiếm thính và khuyết tật vận động cứ thế giới thiệu bạn bè của mình vào làm. Tại đây, giấc mơ im lặng của những người kém may mắn đã có cơ hội vút lên thành những thanh âm trong trẻo, vui tươi hòa vào khúc ca chung rộn rã của cuộc sống.

Bằng ngôn ngữ ký hiệu, bạn Trần Thị Phương Liên (25 tuổi) nói rằng rất vui vì được làm việc tại xưởng may: “Công việc hàng ngày của mình là may áo, may váy. Lý do mình thích công việc này là vì nó cho phép mình thỏa sức sáng tạo với thời trang”.

Sau khi tốt nghiệp khóa học cắt may ở trường dạy nghề Hoa Sữa (Hoàng Mai, Hà Nội), Liên đến làm việc tại xưởng may. Những ngày đầu bỡ ngỡ, em được mọi người tận tình chỉ bảo và nhanh chóng bắt nhịp được với công việc. Ngắm nhìn những sản phẩm do cô gái may, không ai là không trầm trồ khen ngợi.

IMG_9714-d3835

Bạn Trần Thị Phương Liên rất yêu thích công việc ở xưởng may vì nó cho em thỏa sức sáng tạo với những bộ váy áo.

IMG_9704-e1b78

Những người thợ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Diego và người trợ lý của mình mỉm cười khi nói về những khó khăn trong công việc hàng ngày. “Không thể trao đổi bằng ngôn ngữ lời nói, đó chính là khó khăn khi làm việc ở đây. Để hiểu nhau hơn, cả tôi và những nhân viên khác đều cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu” – Diego chia sẻ. Khi đã hiểu và biết giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt ấy, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là Diego lại xuống xưởng chỉ bảo, hướng dẫn tận tình cho những người thợ may, thợ vẽ…

Mặc dù xưởng may hầu như tĩnh lặng nhưng trong cảm nhận của những người thợ, môi trường làm việc ở đây rất vui vẻ. Là một người gắn bó lâu năm với xưởng may, bạn Lê Thị Huyền Trang (25 tuổi) cho biết: “Mình làm ở đây được 5 năm rồi, mình rất yêu thích công việc hiện tại vì ngày nào cũng được vẽ. Mình đã kết hôn và vừa sinh con cách đây 7 tháng. Môi trường làm việc ở đây rất thoải mái và mình muốn gắn bó lâu dài”.

IMG_9603-e1b78

Bạn Lê Thị Huyền Trang làm thợ vẽ tại xưởng may suốt 5 năm qua.

Là người mang cơ hội làm việc đến cho người khuyết tật nhưng nhà thiết kế người Tây Ban Nha nói rằng, công việc mình đang làm không phải là từ thiện vì trong mắt anh, các nhân viên dù là khiếm thính hay khuyết tật vận động đều là những người hết sức bình thường, họ kiếm sống bằng sự chăm chỉ và khéo léo của chính mình.

IMG_9680-6e806

IMG_9707-e1b78

Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo những người thợ may khiếm thính đã cho ra đời những bộ váy áo đầy quyến rũ.

Ở nhiều nơi trong xã hội, người khuyết tật vẫn không được thừa nhận, vẫn phải mang mặc cảm về sự thiệt thòi nhưng trong xưởng may của Diego, nỗi ám ảnh ấy dường như tan biến. Những người thợ vẽ, thợ may ngày ngày làm việc chăm chỉ để góp cho cuộc sống nhiều vẻ đẹp hơn, những bộ váy áo do họ may mang đến niềm vui, sự thích thú cho các vị khách. Bằng cách đó, họ đã được sống, được biến những giấc mơ của mình thành hiện thực...

Xem thêm: Chia sẻ 3 case study bán hàng dùng chiến lược Loss Leader

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Bài viết liên quan: