Mở cửa thị trường bán lẻ: Cuộc đua ngày càng quyết liệt

Ngoại sung sức, nội tự tin

Càng đến gần thời điểm 2015 - năm theo cam kết WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% hiện nay - sự hiện diện của các nhà bán lẻ “cá mập” trên thế giới tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều.

mo cua thi truong ban le cuoc dua ngay cang quyet liet hinh anh 1

Mở cửa thị trường bán lẻ : Cuộc đua ngày càng quyết liệt (Hình minh họa)

Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2014, đã có ít nhất 3 tập đoàn lớn tiến quân vào Việt Nam. Đầu tiên là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon với Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú, có tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ yen. Theo kế hoạch đến năm 2020, tập đoàn này sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Kế đó, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte mart cũng khai trương trung tâm thứ 7.

"Tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, tăng gần 650 điểm so với năm 2011. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Trong cuộc cạnh tranh của thị trường bán lẻ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với những cơn bão giảm giá, khuyến mại song hành với việc tăng chất lượng hàng hóa. Cùng với đó là những chiến lược mở thêm mặt bằng để tăng thị phần, chiếm ưu thế cạnh tranh, đặc biệt tại các đô thị lớn." - Theo Bộ Công Thương

Tập đoàn này đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD. Mới đây nhất, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Tos Chirathivat cũng mở siêu thị Robinsons Department Store đầu tiên ở Hà Nội. Cùng với đó, hàng loạt tên tuổi bán lẻ khác cũng đang có kế hoạch đổ bộ vào như Wall Mart của Hoa Kỳ, Mapletree của Singapore, Auchan của Pháp…

Với những thương hiệu bán lẻ đã có mặt tại Việt Nam như Metro Cash & Carry và Big C, sự hiện diện của những thương hiệu lớn này khiến thị trường bán lẻ đang rơi vào lối mòn trầm lắng trở nên sôi động.

Trước sự tiến quân ồ ạt của các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, viễn cảnh về một thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, đã đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào tình thế khó khăn. Những cảnh báo về việc mất thị phần hay bị thôn tính đã nhiều lần được đề cập đến nay đang trở thành mối nguy thực sự đối với những nhà bán lẻ non trẻ trong nước.

Tuy nhiên, theo đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ, bất lợi là có, khó khăn sẽ chồng chất, nhưng việc phải mở cửa hoàn toàn theo cam kết WTO đã được các nhà bán lẻ Việt Nam tính đến.

Thực tế nhà bán lẻ nước ngoài đã vào Việt Nam từ lâu và không còn lạ lẫm với doanh nghiệp trong nước. Bởi ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho sự cạnh tranh này. Thí dụ, nhà đầu tư nước ngoài thường tập trung xây dựng hạ tầng trước và đây lại là một lợi thế của doanh nghiệp nội” - ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Co.opmart khu vực miền Trung và miền Bắc nhận định.

Điều này được thể hiện rõ qua báo cáo khảo sát của một số công ty đa quốc gia cho biết ngành bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng cao nhất châu Á với mức tăng 23%, vượt qua cả 2 nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%). Và đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ lên 45%.

Cần che “gót chân Asin”

Có một thực tế đáng buồn là ngoài Sai Gon Co-op với chuỗi siêu thị Saigon Co.opmart, Tổng công ty Thương mại Hà Nội với Hapromart, CTCP Nhất Nam với Fivimart… đã được người tiêu dùng nhận diện, gần như không có thêm nhà bán lẻ Việt Nam nào đủ mạnh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ ngoại có lợi thế vượt trội về kinh nghiệm và vốn.

Hơn nữa, sự đóng băng của thị trường bất động sản những năm qua đã kìm hãm lợi thế của doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến hạ tầng, quy hoạch về hành lang bán lẻ, trung tâm bán lẻ thực sự chưa rõ ràng cũng tạo nên những bước đi lùi đối với thị trường bán lẻ trong nước.

"Doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần các lợi thế khi không còn bảo hộ theo cam kết WTO. Khi đó doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư rất mạnh vào thị trường bán lẻ, như đầu tư vào bất động sản, con người, công nghệ… Để không bị thua ngay trên sân nhà, doanh nghiệp Việt Nam nên liên kết thực sự chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất tới khâu phân phối tiêu dùng." - Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Co.opmart khu vực miền Trung và miền Bắc nhận định.

Trong bối cảnh đó, “gót chân Asin” của doanh nghiệp Việt dần bị lộ. Thay vì liên doanh liên kết để cùng lớn mạnh, doanh nghiệp bán lẻ trong nước luôn tìm cách “đá” nhau. Tư tưởng “rừng nào hổ nấy” được thể hiện rõ trong sự thất bại của nhiều doanh nghiệp bán lẻ khi muốn mở rộng thị trường. Sai Gon Co.opmart dù được đánh giá là một trong những nhà bán lẻ Việt Nam có tiềm lực mạnh nhất, song sau 3 năm, hãng này chỉ mở được 5 siêu thị ở khu vực phía Bắc, trong đó chỉ có 1 siêu thị ở Hà Nội do giá thuê mặt bằng quá đắt đỏ.

Tương tự, nhà bán lẻ có tiếng tại Hà Nội là Fivimart đã phải rời cuộc chơi ở thị trường phía Nam khi đóng cửa siêu thị vào đầu năm 2013. Trước đó, 4 doanh nghiệp bán lẻ lớn là Hapro, Satra, Phú Thái và Sai Gon Co-op hợp tác xây dựng CTCP Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA), có vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng với tham vọng phát triển VDA thành tập đoàn bán lẻ số một thị trường nội địa.

Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, mô hình này gần như dẫm chân tại chỗ bởi khó khăn trong việc xin phép xây dựng kho bãi tại các địa phương. Bên cạnh đó, dù hợp tác nhưng bản thân mỗi doanh nghiệp có phương thức kinh doanh riêng, thậm chí có sự cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau.

Theo kết quả nghiên cứu của CTCP Tư vấn đầu tư và phát triển Quang Minh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang diễn ra một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như 62,5% doanh nghiệp bán một số hàng hóa dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng, 37,5% lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ, 25% bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ, 25% khuyến mại cạnh tranh không lành mạnh...

Điều này cho thấy sự liên kết của doanh nghiệp Việt Nam thực sự rất yếu. Các doanh nghiệp chủ yếu tự mày mò, tự phát triển, không có mô hình cụ thể để phát triển bền vững, tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng phá vỡ mối liên kết lỏng lẻo này. Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Phú Thái cho rằng doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn 20-30 lần so với doanh nghiệp Việt.

Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi, doanh nghiệp nội sẽ rất khó khăn. Vì thế, cơ chế vận hành của liên doanh, liên kết phải chặt chẽ hơn, nhất là cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Mất dần lợi thế?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã nhanh chóng tìm cho mình những bước đi riêng. Ngoài việc giữ vững thị phần tại các đô thị lớn, không ngừng nâng cao công nghệ, nhân lực, chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” đã được các nhà bán lẻ trong nước thể hiện triệt để.

Đó là Co.opmart với những xe bán hàng lưu động về các vùng nông thôn, đặc biệt trong dịp lễ, tết, đã nhanh chóng được nhiều doanh nghiệp thực hiện, trong đó có cả “ông lớn” đến từ nước ngoài là Big C.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các nhà bán lẻ tìm về nông thôn là xu hướng tất yếu, bởi thị trường này đang bị bỏ ngỏ, tức tiềm năng chưa được khai thác hết. Một nghiên cứu của Nielsen cho thấy tác động của các nhà bán lẻ tại thị trường nông thôn lớn hơn rất nhiều so với ở thành thị. Theo thống kê, có khoảng 477.000 cửa hàng vừa và lớn tại thị trường nông thôn Việt Nam.

Nếu tính trung bình 64 khách hàng ra vào 1 cửa hàng mỗi ngày, sẽ có khoảng 27,5 triệu người mua sắm. Người dân nông thôn cũng đã bắt đầu thích nghi với phương thức mua sắm hiện đại và những vật dụng hiện đại. Thí dụ có 25% được khảo sát sẽ mua máy giặt trong 6 tháng tới, con số này đối với tủ lạnh là 37%... Đây là một cơ hội thực sự các nhà bán lẻ trong nước cần tận dụng.

1374122004-tung-bung-sinh-nhat-big-c-2

Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội.

Tuy nhiên, dù đang nắm lợi thế, nhà bán lẻ trong nước vẫn không dễ gặt hái thành công tại khu vực nông thôn. Bởi tại nông thôn, phương thức mua bán truyền thống vẫn thực sự chiếm ưu thế. Trong khi đó, sự đeo bám của doanh nghiệp nước ngoài ngày càng quyết liệt. Big C đã mở đến 20 siêu thị; Metro Cash & Carry mở 19 siêu thị. LotteMart đã “hạ cánh” ở một trong những địa điểm đẹp nhất của thị trường khá khó nhằn là Hà Nội và đang lên kế hoạch mở 60 điểm đến năm 2020. E-Mart cũng kỳ vọng mở 52 siêu thị đến năm 2020… Với đà “tiến quân” này, có thể thấy sớm muộn thị trường nông thôn cũng sẽ bị khối ngoại dòm ngó.

Chính vì vậy, dù đang có lợi thế khi siêu thị và trung tâm thương mại của khối ngoại chỉ chiếm tỷ lệ tương ứng 40% và 25% và họ vẫn phải mất thời gian để thiết lập hạ tầng, nhưng lợi thế này chắc chắn sẽ nhanh chóng bị phá vỡ nếu doanh nghiệp Việt Nam không có phương cách kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đang chậm chân trong việc gắn kết doanh nghiệp với nhau càng góp phần tăng lợi thế cho đối thủ đến từ nước ngoài. Bài toán này cần cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý giải trong nhiều năm tới nếu không muốn nhường những phần ngon nhất trên thị trường cho các đối thủ ngoại.

Xem thêm: Chàng trai 8X đem rau lên bán Online

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Bài viết liên quan: