Hiểu về IPO (Chào bán chứng khoán lần đầu) theo cách đơn giản

Bài viết của tác giả Chu Ngọc Cường trên Tập đoàn kinh tế học giản đơn

Có lẽ các bạn đã nghe nhiều về khái niệm IPO (Initial Public Offering), nhưng mỗi lần đọc về nó bạn vẫn thấy rồi mù mù. Bài viết này tôi sẽ cắt hết các thuật ngữ phức tạp, đi thẳng vào bản chất và trình bày về IPO thật giản dị, dựa trên kinh nghiệm của một người đã IPO nhằm giúp các bạn một góc nhìn thực tế và gần gũi hơn về nó.

1. IPO là gì?

IPO, hay phát hành cổ phiếu công khai lần đầu, đôi khi được gọi là niêm yết cổ phiếu, hay đưa doanh nghiệp lên sàn v..v... là sự kiện cổ phiếu của một doanh nghiệp lần đầu được giao dịch trên hệ thống của sàn giao dịch chứng khóan nào đó.

Bạn biết rằng quyền sở hữu một công ty cổ phần được chia thành những phần bằng nhau gọi là cổ phiếu. Dù không niêm yết, cổ phiếu cũng vẫn tồn tại và được giao dịch mua bán như thường (thông qua các hợp đồng chuyển nhượng). IPO chẳng qua là một động tác để giúp việc mua bán đó được thuận lợi và minh bạch hơn mà thôi.

Ví dụ, chúng ta vẫn hay mua thịt ở chợ, nhưng do mua bán nhỏ lẻ, bạn cảm thấy khó yên tâm về nguồn gốc và chất lượng. Giờ cũng vẫn loại thịt đó, nhưng được đóng gói, được kiểm soát chất lượng, đưa vào bán trong siêu thị, rõ ràng chúng ta sẽ thấy an tâm và thoải mái hơn khi mua chúng đúng không. IPO cũng có tác dụng tương tự như vậy. Chúng ta sẽ làm rõ hơn đặc điểm của IPO với những câu hỏi phía sau.

2. IPO để làm gì?

Chúng ta đều biết nguồn vốn là một trong những yếu tố sống còn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang trên đà phát triển. Vốn đó có được do đâu? Là nhờ sự đóng góp của các cổ đông thông qua việc mua cổ phiếu. Một doanh nghiệp muốn có nguồn vốn lớn và ổn định phục vụ kinh doanh, nhất định phải có những nhà đầu tư (cổ đông) chất lượng.

Việc niêm yết cổ phiếu có 2 tác dụng quan trọng giúp ích cho công việc huy động vốn, đó là:
- Thứ Nhất, cổ phiếu có thể tiếp cận số nhà đầu tư cực lớn trên sàn chứng khoán. Nếu một công ty chưa niêm yết thường có vài cổ đông cho đến vài chục cổ đông là cùng, thì công ty đã IPO lại có thể có hàng nghìn cổ đông. Tất cả là nhờ họ tiếp cận được cổ phiếu dễ dàng và nhanh chóng qua sàn chứng khoán chứ không phải gặp gỡ và giao dịch thủ công.

- Thứ Hai, nhờ trải qua một loạt tiêu chuẩn kiểm soát khá khắt khe của Ủy ban chứng khoán về kiểm toán, hoạt động kinh doanh, định giá tài sản, thuế, luật pháp, sở hữu trí tuệ...trước khi IPO, cổ phiếu công ty niêm yết thường được đánh giá cao hơn nhiều so với công ty chưa niêm yết, điều này góp phần nâng cao giá trị cho doanh nghiệp và tất nhiên sẽ gọi được nhiều vốn hơn nữa. Vì thế chúng ta thấy dù đưa thịt vào siêu thị bán sẽ mất nhiều chi phí, công sức, tiêu chuẩn vệ sinh cũng cao hơn nhưng người bán vẫn chấp nhận vì thịt cũng sẽ bán được giá cao và doanh thu ổn định hơn bán ở chợ.

3. Công ty nào có thể IPO?

Trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ có các công ty cổ phần có thể tiến hành IPO. Về cơ bản sự "tiến hóa" của các công ty cổ phần thường trải qua 3 giai đoạn:
- Công ty cổ phần nội bộ.
- Công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết
- Công ty cổ phần đại chúng niêm yết
Để có thể IPO thì công ty cổ phần nội bộ cần chuyển sang dạng cổ phần đại chúng, rồi sau khi được chấp nhận thì mới có thể trình hồ sơ niêm yết.

Trước IPO cổ phiếu của công ty đại chúng này cũng có thể được giao dịch ở sàn OTC nếu muốn. Sàn OTC có thể hiểu là nơi mua bán dành cho cổ phiếu của các công ty chưa được niêm yết. Do đó sàn OTC không đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về doanh nghiệp, chỉ cần là công ty đại chúng thì có thể giao dịch qua OTC được.

4. IPO diễn ra như thế nào?

Trên thực tế hầu hết các công ty đều phải trải qua quá trình thẩm định hồ sơ của Ủy ban chứng khoán, có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí 1, 2 năm. Để được duyệt, doanh nghiệp phải hoàn thiện nhiều tiêu chí về các lĩnh vực, đôi khi hồ sơ chưa được duyệt sẽ phải thay đổi và làm lại cho đầy đủ.

Trong các tiêu chuẩn của Việt Nan, có 2 tiêu chuẩn cơ bản không thể thiếu là doanh nghiệp phải đang làm ăn có lãi, và giá trị công ty (còn gọi là giá trị vốn hóa) tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên. Tuy điều kiện là như vậy nhưng thực sự 10 tỷ đồng là con số khá nhỏ nên hầu hết các công ty hiện nay được niêm yết ở khoảng 80 tỷ đồng trở lên.

IPO qua phương thức dựng sổ: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn áp dụng

Có một điều rất quan trọng là sự kiện IPO luôn kết hợp 2 nội dung: cho phép các cổ phiếu hiện có giao dịch trên sàn, và phát hành thêm cổ phiếu mới ra công chúng. Do không hiểu 2 nội dung này nên nhiều người cảm thấy bối rối khi tìm hiểu về IPO.

Bạn có thể hình dung một công ty A có giá trị 50 tỷ với 500.000 cổ phiếu hiện có trước khi IPO. Vậy tính ra mỗi cổ phiếu có giá 10.000đ. Giờ đây nếu công ty muốn huy động thêm 50 tỷ, họ sẽ phát hành thêm 500.000 cổ phiếu nữa cũng với mệnh giá 10.000đ. Sau IPO, số cổ phiếu mới được bán hết sẽ khiến công ty trở thành doanh nghiệp trị giá 100 tỷ với 1.000.000 cổ phiếu. Cả cổ đông mới và cũ đều được đảm bảo quyền lợi và sau đó tất cả các cổ phiếu đều có thể giao dịch giống nhau trên sàn chứng khoán mà không có sự khác biệt nào cả.

5. Cổ phiếu IPO được định giá thế nào?

Cổ phiếu IPO được định giá bằng với giá cổ phiện hiện hữu (trước IPO). Người ta sẽ tính toán tổng trị giá doanh nghiệp đó, đem chia cho số cổ phiếu hiện có. Nếu con số đó là 12.000, 15.000 hay 120.000 thì cổ phiếu cũng được bán ra với mệnh giá tương đương. Vì bản chất chúng đều là một phần của doanh nghiệp, nên đương nhiên giá phải bằng nhau.

Trở lại ví dụ của công ty A phía trên, 500.000 cổ phiếu mới được "chào bán" đúng theo giá của những cổ phiếu cũ là 10.000đ/CP. Tuy nhiên mức giá này chỉ tồn tại trong giai đoạn chào bán. Ngay sau khi những cổ phiếu mới (phát hành thêm) được bán ra hết, công ty sẽ không còn gì để bán mà bạn chỉ có thể mua lại từ những người đang sở hữu cổ phiếu đó. Từ giờ phút này, giá cả hoàn toàn do thị trường quyết định. Nghĩa là nó có thể lên hoặc xuống do cung và cầu của các nhà đầu tư.

Sau khi IPO, các công ty vẫn có thể tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn cho các đợt tiếp theo nữa. Khi đó giá phát hành thêm được lấy bằng mức giá đang giao dịch trên thị trường của chính cổ phiếu đó.

6. Vì sao các công ty muốn IPO?

Đây là câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng lại rất rộng lớn. Tất nhiên không phải công ty nào cũng cần IPO, nhưng thực tế có rất nhiều lợi ích mà IPO mang lại, nhất là với các nhà sáng lập và cổ đông lớn, sau đây tôi sẽ tóm tắt cho các bạn vài ý chính.
- Thứ Nhất, IPO cho phép huy động nguồn vốn lớn và gần như vô hạn (nếu có thể thuyết phục được các nhà đầu tư mua cổ phiếu)
- Thứ Hai, mệnh giá của các cổ phiếu thường được định giá cao lên trong quá trình IPO, khiến các nhà đầu tư cũ nghiễm nhiên thu về khoản lợi khổng lồ.
- Thứ Ba, việc niêm yết tạo ra cơ hội thanh khoản cho cổ phần của các cổ đông nhanh chóng và hiệu quả.
- Thứ Tư, tiền thu về từ các đợt phát hành cổ phiếu, trên danh nghĩa là phục vụ kinh doanh, nhưng trước hết sẽ phục vụ ban lãnh đạo doanh nghiệp đó. Họ có thể dùng tiền của doanh nghiệp để mua xe hơi, đi du lịch, thậm chí mua đất đai, mua chuyên cơ...bằng cách liệt kê nó vào chi phí doanh nghiệp. Các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán hầu như không quan tâm đến những chi tiết trong hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí có người chỉ biết mã cổ phiếu mà chẳng nhớ tên đầy đủ của công ty, vì thế ban lãnh đạo gần như thoải mái sử dụng nguồn vốn không hoàn lại này.
- Thứ Năm, nhờ được kiểm toán, kiểm soát bởi Ủy ban chứng khoán, các công ty niêm yết có lợi thế hơn về mặt thương hiệu, uy tín trên thị trường và dễ có niềm tin của các đối tác hơn so với công ty chưa niêm yết.
- ...và còn nhiều lợi ích gián tiếp khác nữa.
Trong các lợi ích gián tiếp, có một lợi ích rất đặc biệt đó là với ban lãnh đạo công ty về phương diện tài chính. Bởi họ vừa là cổ đông lớn, vừa là người quản lý, điều hành, cũng vừa là người công bố thông tin. Vì vậy họ có đầy đủ điều kiện để tạo ra những giao dịch mua bán cổ phiếu có lợi cho túi tiền của mình. Đây là một vấn đề phức tạp nên tôi không có điều kiện nói rõ, nhưng nếu bạn gặp gỡ giới doanh nhân này, bạn sẽ không ngạc nhiên khi quá nửa họ không cần kiếm tiền từ kinh doanh hay lương quản lý, họ kiếm tiền từ việc giao dịch cổ phiếu của chính công ty họ đã lập ra.

7. IPO có bất lợi gì?

Nói về cái lợi đã nhiều, tất nhiên IPO cũng có một số điểm bất lợi.
- Đầu tiên, công ty đã IPO sẽ hoàn toàn trở thành của công chúng, nếu không khéo, các nhà sáng lập có nguy cơ bị thâu tóm, bị hất cẳng dễ dàng hơn nhiều so với trước đó. Công ty huy động càng nhiều tiền, tỷ lệ sở hữu của mỗi người càng giảm xuống và nguy cơ này càng cao.
- Thứ hai, doanh nghiệp niêm yết phải công khai nhiều dữ liệu, đặc biệt là các nguồn thu, các chi phí và bí mật kinh doanh có thể bị lộ hoặc bị đối thủ nắm bắt.
- Thứ Ba, công ty niêm yết phải duy trì lợi nhuận, phải thay đổi cơ cấu tổ chức, liên tục báo cáo và công bố thông tin, nói chung là nhiều thủ tục hơn và quản lý phiền hà hơn.
- Thứ Tư, nhà sáng lập khi muốn ra quyết định lớn phải thông qua nghị quyết của một HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông lớn hơn, phức tạp hơn. Các doanh nhân có thói quen làm ăn mạnh bạo, quyết đoán thường bị cản trở bởi cơ chế này, vì đám đông có thể suy nghĩ khác với số ít.
- Thứ Năm, ngoài khách hàng và nhân viên, ban lãnh đạo phải chịu thêm áp lực làm hài lòng cổ đông, đây là một điều chẳng hề dễ dàng vì nhóm này thực sự rất tham lam, luôn đòi hỏi công ty phải tăng trưởng và phát triển. Mối quan hệ này cũng phức tạp ở chỗ, bản chất thì cổ đông là chủ công ty, nên họ có quyền. Trong khi nhân viên và đối tác dù sao cũng khó hoạnh họe lãnh đạo doanh nghiệp hơn, vì thế mà chuyện chất vấn, cãi vã, thậm chí chửi thề thường có nhiều trong đại hội của những công ty niêm yết làm ăn không thuận lợi.

Kết luận:

Tóm lại, dù có những ưu và nhược điểm, IPO cũng đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của các doanh nghiệp. Nó tạo ra nhiều cơ hội và rủi ro nhưng nếu nắm bắt tốt thì có thể mang đến thành công lớn.

Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, hầu hết đều là công ty niêm yết. Thậm chí giờ đây ở nhiều nước, các công ty nhà nước, công ty của hoàng gia, công ty cha truyền con nối.. vốn dĩ từng rất kín đáo, giờ cũng đã niêm yết một cách phổ biến hơn để phát triển, và tạo lập một doanh nghiệp IPO vẫn là niềm mơ ước của rất nhiều doanh nhân và startup để khẳng định bản thân mình.

Hy vọng bài viết đã giúp ích cho các bạn. Xin cảm ơn.

Tác giả Chu Ngọc Cường

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Bài viết liên quan: