Hậu Covid19: Những thói quen mới định hình hành vi người tiêu dùng

Covid-19 được dự báo sẽ mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này đã gây xáo trộn nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Chỉ trong vài tuần, người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng đã phải thay đổi và thích nghi với việc khẩu trang, tích trữ nhu yếu phẩm, ở nhà thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đồng thời huỷ bỏ các hoạt động xã hội, tập trung nơi công cộng, các kế hoạch du lịch và chuyển sang làm việc online tại nhà. Covid-19 thật sự đã làm thay đổi hoạt động thường nhật của mọi người và thiết lập những thói quen mới định hình hành vi người tiêu dùng trong tương lai.

Thay đổi cách tiếp nhận thông tin

Ngay từ khi virus mới xuất hiện trên các mặt báo, một lượng thông tin “khổng lồ” đã được cập nhật liên tục từng ngày, từng giờ. Thông tin được người dùng chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội, khiến nhiều người dùng cảm thấy bị ‘ngộ độc’ tin tức khi thông tin về chủng virus mới. Tin tức tràn lan khắp nơi, mỗi bài đăng một khác, tạo điều kiện cho “fake news” xuất hiện tràn lan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và nhận thức của không ít người dùng. Trước tình hình đó, con người buộc phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá có chọn lọc trước khối lượng thông tin khổng lồ được đăng tải mỗi ngày. Nhu cầu tìm hiểu thông tin chính xác của con người trong dịch bệnh lớn đến mức mà các mạng xã hội lớn như Facebook hay Twitter đã phải tạo ra các thông báo ứng dụng mới để đảm bảo tính xác thực của thông tin.

Không hoang mang, sợ hãi, tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc từ những nguồn tin chính thống và thật cẩn trọng trước khi nhấn nút share, bởi đôi khi chỉ gửi tin tức cho ai đó thôi cũng đủ để cá nhân đó bị phạt rất nặng. Đây là cách con người lan toả đúng thông tin đến cộng đồng, điều mà trong hàng chục năm qua chúng ta đã gần như không quan tâm. Dịch bệnh như “một phép thử trên quy mô lớn” giúp con người nhận ra tầm quan trọng của nguồn tin chính xác, sự nguy hiểm khôn lường của tin giả và có trách nhiệm với những thông tin mình chia sẻ. Từ đó, sẽ giúp người dùng xây dựng những thói quen mới hữu ích khi tiếp nhận thông tin.

Thúc đẩy tiến trình công nghệ phát triển

Suốt thời gian dài “ở nhà chống dịch”, con người dường như quen hơn với việc giãn cách xã hội. Cùng với đó là cách ứng phó được các quốc gia trên thế giới đang tạo ra những thay đổi chưa từng có.

Nhu cầu mua sắm online phát triển mạnh


Thay vì đến trực tiếp tại các cửa hàng để chọn lựa sản phẩm như thông thường thì giờ đây người tiêu dùng đang dần thích nghi với thói quen mua sắm trực tuyến tại nhà. Trong khi các doanh nghiệp đang phải chật vật để duy trì hoạt động kinh doanh thì các sàn thương mại điện tử lại chứng kiến khối lượng công việc dày đặc khi lượng đơn hàng không ngừng tăng lên, kể cả trong giai đoạn cách ly xã hội do dịch bệnh. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công thương, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80% trong khi doanh thu từ mua sắm online qua các sàn TMĐT tăng 20-30%. Gần đây, có thời điểm Tiki phát sinh 3.000 – 4.000 đơn hàng/phút, số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp 3 lần so với bình thường.

Nếu trước đại dịch, những nhóm khách hàng Innovator (Đổi mới), Early Adopters (Thích nghi sớm), Early Majority (Chấp nhận sớm) đã quen thuộc với việc mua hàng online thì những nhóm Late Majority (Chấp nhận muộn), Laggards (Theo sau) vẫn còn khá thờ ơ với xu hướng này thì nay đã buộc phải thay đổi hành vi tiêu dùng của mình để thích nghi với hoàn cảnh. Khi đã dần thích nghi với xu hướng sử dụng công nghệ số, thói quen tiêu dùng này sẽ trở nên phổ biến và sẽ được nhiều người duy trì hơn, thiết lập 1 thói quen mới trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Dạy học trực tuyến, làm việc từ xa: Xu hướng của tương lai

Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của đời sống thì việc ứng dụng nó như thế nào trong dạy và học hay làm thế nào để biến một doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp không văn phòng, không trụ sở để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ. Covid-19 như một cú đẩy buộc ngành giáo dục cũng như các công ty, doanh nghiệp phải thích ứng với cách tiếp cận này.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các trường học phải thay đổi chuyển sang hình thức dạy và học online và được áp dụng rộng rãi ở hầu khắp các địa phương – điều mà ngành giáo dục luôn mong muốn nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, xu hướng học online không chỉ là biện pháp tình thế trong thời dịch bệnh mà sẽ là xu hướng của tương lai. Cũng giống như học tập, thói quen làm việc trực tuyến cũng trở nên phổ biến hơn. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng loạt công ty cắt giảm nhân sự, hơn một nửa người lao động phải làm việc tại nhà. Cũng nhờ vậy mà các công ty, doanh nghiệp đang dần thiết lập thói quen quản lý và kiểm soát nhân viên từ xa, người lao động cũng phải thay đổi thích ứng với cách hoạt động nhằm duy trì hiệu suất công việc.

Hình thức thanh toán điện tử ngày càng phố biến rộng rãi

Trong hoàn cảnh ‘hiểm nghèo’ này, công nghệ đã chứng minh sứ mệnh của mình quan trọng như thế nào trong việc định hình xu hướng của tương lai. Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, người tiêu dùng đang dần thích ứng với hình thức thanh toán trực tuyến qua di động hoặc các ứng dụng mã hóa đặc biệt. Đây không phải là hình thức thanh toán xa lạ với người tiêu dùng tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự phổ biến, nhất là với thế hệ lớn tuổi hơn.

Chỉ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy xu hướng thanh toán điện tử này trở nên thịnh hành và phổ biến hơn cả. Sử dụng tiền mặt mang lại nhiều rủi ro trong dịch bệnh vì virus có thể lan truyền qua bề mặt này. Mối lo về an toàn và sức khỏe đã khiến con người hạn chế việc thanh toán theo cách truyền thống. Nếu hàng nửa thế kỷ qua, các can thiệp về mặt chính sách của nhiều quốc gia châu Á nhằm xóa bỏ thói quen tiêu tiền mặt của người tiêu dùng đều bất lực thì chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, đại dịch toàn cầu đã thúc đẩy thành công tiến trình này.


Thay đổi những thói quen đã trở thành văn hoá

Chủ nghĩa tự do

Trong khi đa số các nước châu Á áp dụng khá tốt việc cách ly xã hội và theo dõi sát sao sức khoẻ công dân thì tại Mỹ và các quốc gia châu Âu khác lại gặp khó khăn trong việc này. Châu Âu với nền văn minh tiên tiến và chủ nghĩa tự do cá nhân được tôn sùng thì việc “phong tỏa” hay “giãn cách xã hội” là một khái niệm mơ hồ và ít được chấp nhận trên khắp “lục địa già”.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi người đều coi thường và cảm thấy phiền toái khi phải đeo khẩu trang hay bị kiểm soát, nhưng khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm tại những khu vực này, con người đã biết sợ và phải thay đổi văn hoá này vì sự an toàn sức khoẻ. Khi số người tử vong vì dịch bệnh không ngừng tăng, tại Anh, Mỹ, Italy dù bắt đầu “cuộc đua” chậm hơn nhưng nhanh chóng “vượt mặt” Trung Quốc để trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới, khi đó họ phải nhìn nhận lại về “sự tự do” lâu nay mình vẫn tôn sùng. Trước cái chết và sự hoành hành của dịch bệnh buộc con người phải hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của xã hội, của cộng đồng lên trên hết. Trước đây, người phương Tây sẵn sàng xuống đường biểu tình, lên tiếng phản đối chính phủ khi họ cho rằng mình bị xâm phạm quyền tự do cá nhân nhưng ở thời điểm hiện tại, họ hiểu rằng, xã hội an toàn thì mỗi cá nhân mới được an toàn.

Sự thay đổi lớn về tư tưởng này chắc chắn sẽ được nhiều người dân phương Tây nhận định lại về tính dân chủ và những thói quen suy nghĩ về tự do cá nhân khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Nhu cầu sử dụng hàng nội địa nhiều hơn

Trước Covid-19, nhiều nước quá chú trọng đến xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tài nguyên mà xem nhẹ sản xuất nội địa. Khi địa dịch bùng phát khiến các quốc gia phải thực hiện nghiêm lệnh giãn cách, siêt chặt đường biên, hạn chế giao thương hàng hoá đến các nước khác, đồng thời đưa ra những chính sách mới nhằm kích cầu tiêu dùng hàng nội địa. Dịch bệnh xảy ra, việc xuất khẩu đình đốn buộc họ phải siết chặt biên giới, dẫn đến sự hạn chế giao thương, giảm hàng hóa nhập khẩu và đưa ra những chính sách kích thích sản xuất, tiêu dùng nội địa. Trong hoàn cảnh đó, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong nước hơn và để thấy rằng, chất lượng hàng hoá nội địa cũng có những ưu điểm cái tiến không thua kém gì hàng nhập.

Cách làm bánh mì ngọt thanh long siêu ngon đơn giản tại nhà

Ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19, khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” lại được nêu cao để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước tác động của đại dịch. Khi nông sản Việt gặp khó khăn trong xuất khẩu, nhiều công ty, doanh nghiệp đã nhanh chóng sáng tạo ra các sản phẩm mới như: Bánh mì thanh long, bún dưa hấu….. và được người tiêu dùng trong nước hào hứng đón nhận.

Cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và bộ Y tế đã mang về bước đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, càng củng cố thêm niềm tin của người dân về thương hiệu quốc gia. Cũng bởi đại dịch lần này mà các thương hiệu có cơ hội chuyển mình, khẳng định thị phần trong nước vào tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng hàng nội địa với giá cả phù hợp, mẫu mã đa dạng, chất lượng không ngừng được cải tiến.

Tạm kết:

Khởi đầu từ một con virus không tên rồi bùng phát thành đại dịch toàn cầu, Covid-19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động thế giới, thiết lập những suy nghĩ và thói quen mới cho người dùng khi nhìn nhận lại vấn đề. Nhìn theo khía cạnh tích cực, Covid-19 đã làm thay đổi những thói quen, văn hóa đã hình thành từ lâu, xóa bỏ những định kiến mà trước đây rất khó để lay chuyển và thay đổi những thói quen tiêu dùng này.

Nguồn: MarketingAI

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Ebook miễn phí

Ebook miễn phí

Bí kíp thiết kế website bán hàng Từ A-Z cho mọi chủ shop

Đăng ký tải ngay Ebook

Bài viết liên quan: