Gen Z đang xem gì trên online? Đây là những gợi ý cho marketer năm 2020

Thế hệ Millennials từng là tâm điểm chú ý của giới truyền thông, tuy nhiên sự quan tâm này đang dần chuyển sang hậu duệ Gen Z – những người có năm sinh từ 1997 trở đi.

Được gọi chung là “thế hệ trẻ”, song giữa Gen Z và Millennials vẫn thể hiện rõ những điểm khác biệt. Ví dụ, thế hệ Millennials được biết đến với xu hướng cord-cutting, ngưng dùng truyền hình cáp để chuyển sang các dịch vụ stream trực tuyến. Thay vào đó, người dùng Gen Z bị thu hút bởi các nền tảng xã hội, cụ thể là YouTube và TikTok.

Vậy hiện nay Gen Z đang xem những nội dung gì?

1. YouTube

Vốn được thành lập từ năm 2005, YouTube gắn liền với cuộc đời Gen Z. Hiện nay, 85% thanh thiếu niên xem YouTube, thời gian trung bình xem video trực tuyến của trẻ em cũng tăng gấp đôi trong 4 năm qua.

So với TV truyền thống, video ngày nay có một cách tiếp cận hoàn toàn mới: nội dung ngắn gọn hơn theo phong cách YouTube. Ngoài ra, chúng ta cũng chứng kiến sự nổi lên của hàng loạt vlogger – nhóm người nổi tiếng nhờ khả năng sáng tác video.

Tizi Đích Lép, Vlog 1977 và Giang Ơi là những vlogger Việt Nam nổi tiếng hiện nay.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, trẻ em đang có mong muốn trở thành ngôi sao YouTube nhiều gấp 3 lần thay vì ước mơ trở thành phi hành gia như trong quá khứ.

Dưới đây là tổng quan cơ bản về những gì Gen Z đang xem trên nền tảng video này.

Vlogging

Video blogging (hay Vlogging) là hiện tượng đang làm mưa làm gió trong giới trẻ. Với ngân sách thấp, nội dung chủ yếu bày tỏ ý kiến và kinh nghiệm cá nhân của người sáng tác, các video này có cơ hội gắn kết với khán giả trên YouTube.

Nhiều vlogger đã tạo dựng nên hẳn một cơ ngơi nhờ vào khả năng biến hóa chủ đề vlogging. Có thể kể đến là cậu bé người Mỹ Ryan Kaji – vlogger được trả lương cao nhất năm 2019 với số tiền khổng lồ 26 triệu đô la.

Từ góc độ thương hiệu, cần nhận thức mức độ nổi tiếng của các vlogger hiện nay. Theo thời gian, quảng cáo truyền hình truyền thống sẽ không phải là lựa chọn tốt nhất để Gen Z tiếp cận và nhận thức về thương hiệu, thay vào đó là các vlog có chủ đề thú vị. Đây là một xu hướng quan trọng mà các nhà tiếp thị cần lưu tâm.

Video cung cấp tin tức

Thật ngạc nhiên khi biết rằng tính giải trí của các video YouTube không phải là yếu tố hàng đầu thu hút người dùng trẻ tuổi. Theo nghiên cứu, 80% thanh thiếu niên Gen Z nói rằng nền tảng này cung cấp cho nhiều thông tin hữu ích về các chủ đề trong cuộc sống. 68% khẳng định YouTube đã giúp họ cải thiện hoặc đạt được các kỹ năng cần thiết. Tất cả điều này giúp giới trẻ chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

YouTube đã trở thành một tài nguyên học tập giá trị và đáng tin cậy. Trên thực tế, hầu hết học sinh – sinh viên hiện nay yêu thích xem các video YouTube hơn sách giáo khoa và nhiều người tìm kiếm video về DIY (Do it yourself: Tự tay làm nấy) để học hỏi cách làm.

2. TikTok

Nền tảng video ngắn TikTok đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2019 và khiến các thương hiệu phải chú ý. Phần lớn khán giả tiềm năng của nó nằm trong độ tuổi Gen Z nhờ sự phổ biến của các yếu tố hài hước, DIY, bắt trend, meme…

Nội dung TikTok ngắn hơn nhiều so với YouTube và có xu hướng bắt trend tốt hơn. Với giới hạn 15 giây mỗi clip, thể loại phổ biến nhất trên TikTok là những bài hát nhép, các điệu nhảy sôi động và tiểu phẩm hài hước.

Đi cùng với sự phổ biến mạnh mẽ của nền tảng, chúng ta cũng nhận thấy sự gia tăng của các influencer TikTok. Thương hiệu nên sở hữu một danh mục những người ảnh hưởng trên TikTok có thể hợp tác trong các chiến dịch.

Các nhà sáng tạo trên TikTok được chia thành 2 nhóm: thứ nhất là những người đã nổi tiếng trên các nền tảng khác và đang lấn sân qua TikTok, hai là những người chơi mới đang tìm cách thu hút khán giả trên TikTok trước tiên. Theo thời gian, các cách tiếp cận này làm thay đổi đáng kể trong nội dung video tiêu thụ bởi Gen Z, các clip ngắn hơn và được quay theo chiều dọc.

3. Bộ mặt của video đang thay đổi từng ngày

Mỗi giây trôi qua, nội dung video thay đổi đáng kể và các thương hiệu cần theo kịp những xu hướng này để duy trì sự kết nối với khán giả trẻ.

Trang Forbes đã từng nói, chìa khóa cho Gen Z là những nội dung video “liên quan, có ý nghĩa và xác thực”. Ngoài ra, nhóm người dùng này còn dựa vào video để giảm stress, giải phóng những áp lực xã hội và cạnh tranh mà họ phải đối mặt hàng ngày.

Vốn được gọi là cư dân số (digital natives), Gen Z đã quen thuộc với các nền tảng kỹ thuật số. Hãy luôn dành thời gian quan sát và đáp ứng những yêu cầu của Gen Z để “lấy lòng” nhóm khách hàng trẻ tuổi này.

Nguồn: SocialMediaToday

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Bài viết liên quan: