Các thương hiệu cần chuẩn bị gì để đón thời của thế hệ Z?

Thế hệ Z, sinh ra trong giai đoạn 1996-2012, sẽ chiếm 1/4 dân số châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2025 và nắm trong tay sức mua trị giá 44 tỉ USD, theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia. Thế hệ tiêu dùng mới này có những đặc trưng đòi hỏi các thương hiệu lựa chọn cách thức tiếp cận mới.

Theo báo cáo The Connected Consumer quý I.2020 của Decision Lab, Facebook vẫn đang là nền tảng được thế hệ X, Millennials và Z Việt Nam sử dụng nhiều nhất. Trong đó thế hệ Z cho thấy sự thoải mái với việc sống dựa vào công nghệ.

Khi được hỏi không thể sống thiếu ứng dụng nào trong điện thoại, 52% thế hệ Z chọn Facebook, trong khi 49% chọn YouTube. Thế hệ Z cũng sử dụng nhiều ứng dụng mạng xã hội hơn hẳn anh chị hay cha mẹ mình, nhưng khả năng xoá ứng dụng khi không còn dùng cũng cao hơn gấp hai lần so với thế hệ X.

Các thương hiệu cần chuẩn bị gì để đón thời của thế hệ Z?  - ảnh 1

Thế hệ Z hứa hẹn sẽ là một thế hệ "khó chiều", khi họ mong muốn nhãn hàng chọn mua phải có độ nhận diện nhất định, nhưng vẫn mang cá tính riêng của chủ sở hữu. Ảnh: Forbes.com


Tuy vậy lớp người trẻ này nhận thức rất rõ mặt trái của công nghệ: kết quả khảo sát của McKinsey cho thấy thế hệ Z tin rằng con người hiện đang dành quá nhiều thời gian bấm điện thoại và công nghệ đang can thiệp quá nhiều vào các mối quan hệ xã hội.

Chính vì thành thạo công nghệ và vẫn chưa đến độ tuổi đi làm toàn thời gian, thế hệ Z đang có xu hướng thích tìm kiếm các chương trình khuyến mãi. Tuy vậy điều này không đồng nghĩa họ sẵn sàng hy sinh chất lượng vì giá cả. 73% thế hệ Z tại Trung Quốc đều đồng tình rằng họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền cho một món hàng có chất lượng cao để dùng lâu dài.

Một đặc điểm các thương hiệu cần lưu ý là thế hệ Z rất dễ bị ảnh hưởng bởi các nội dung video trên các nền tảng như YouTube hay TikTok. 70% những người trẻ tham gia khảo sát của McKinsey cho biết họ biết tới những thương hiệu mới thông qua các nền tảng video ít nhất một lần mỗi tháng. Trong khi tỷ lệ này ở thế hệ Millennials và thế hệ X thấp hơn, lần lượt là 58% và 46%.

Không chỉ giới thiệu các nhãn hàng mới, những nền tảng video thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của thế hệ Z. “Các thương hiệu không nên đánh giá thấp vai trò của các video,” nhóm nghiên cứu của McKinsey khuyến cáo.

Khi lựa chọn thương hiệu để mua, thế hệ Z mong muốn nhãn hàng này phải có độ nhận diện nhất định, nhưng vẫn mang cá tính riêng của chủ sở hữu. Tỷ lệ những người thuộc thế hệ Z thích lựa chọn thương hiệu có cá tính cao gấp đôi so với thế hệ X và gấp 1,5 lần so với thế hệ Millennials.

“Điều này đồng nghĩa việc chạm tới thế hệ Z sẽ không hề dễ dàng: thương hiệu phải đạt được độ phổ biến nhất định, trong khi phải tạo được sự khác biệt gây rung cảm với họ,” McKinsey nhận định.

Giải pháp tiếp cận thế hệ khách hàng này có thể đến từ các sản phẩm dịch vụ được thiết kế, chỉnh sửa theo nhu cầu cá nhân, được sản xuất hạn chế hay độc quyền cho một nhóm người mua nhất định. Thương hiệu cũng có thể làm mới và tăng sức hấp dẫn bằng cách bắt tay với các thương hiệu mới nổi.

Một nghịch lý là 67% người trẻ thế hệ Z ngày nay lại xuống tay mua hàng tại các cửa hàng vật lý, chứ không phải trên mạng, trong khi tỷ lệ Millennials mua hàng trực tuyến lại lên tới 84%. Tuy vậy xu hướng này vẫn có thể thay đổi trong tương lai, khi thế hệ này dần trưởng thành, có được tiềm lực tài chính tốt hơn và có thẻ ngân hàng của riêng mình.

Nguồn: Forbes

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Ebook miễn phí

Ebook miễn phí

Bí kíp thiết kế website bán hàng Từ A-Z cho mọi chủ shop

Đăng ký tải ngay Ebook

Bài viết liên quan: