3 trong hành vi người tiêu dùng Việt trước thềm Tết Nguyên Đán 2021

So với những năm trước, dịp lễ Tết năm nay được dự báo có nhiều thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Việt Nam do tác động mạnh mẽ của COVID-19. Quan tâm đến sức khoẻ hơn, nhạy cảm về giá, mua hàng trực tuyến, sự mở rộng thị trường nông thôn… là những điểm cần lưu ý mà các doanh nghiệp không được bỏ qua trong thời điểm vàng thúc đẩy doanh thu này.


1. Chuyển đổi số trở thành xu hướng không thể đảo chiều, mở ra tiềm năng của thị trường nông thôn Việt

Trong dịp Tết đầu tiên sau tác động của COVID-19, hành vi của người tiêu dùng Việt đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Thay vì tất bật mua sắm tại các cửa hàng hay ghé thăm gia đình và người thân, người tiêu dùng đang có xu hướng thực hiện tất cả hoạt động trên nền tảng trực tuyến. Theo số liệu từ Google, khoảng 44% khách hàng Việt đã thực hiện mua sắm trực tuyến những mặt hàng mà trước đây họ thường mua tại các cửa hàng. Chính vì vậy, việc tiếp cận và tương tác với khách hàng trên các nền tảng trực tuyến giờ đây đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp hơn là một kênh phụ trợ như trước đây.

Thị trường nông thôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet nói chung và mua sắm trực tuyến nói riêng, thị trường nông thôn Việt Nam đang cho thấy tiềm năng khai thác rõ rệt. Báo cáo Vietnam’s Search for Tomorrow 2020 của Google cho biết, có tới 77% người dùng tại nông thôn sử dụng mạng Internet, trong đó số người lên mạng hàng ngày đạt mức 91%. Bên cạnh đó, khoảng 45% người tiêu dùng nông thôn sử dụng các công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin về sản phẩm và đưa ra quyết định mua sắm. Có thể thấy, Internet đã trở thành cầu nối giúp người tiêu dùng tại những khu vực bên ngoài các thành phố lớn tiếp cận dễ dàng hơn với những mặt hàng phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ. Do vậy, các marketer cần phải đưa ra những thông điệp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng đến từ tập khách hàng này bằng cách xác định rõ thói quen chi tiêu, hành vi khách hàng ở cả cấp độ cá nhân và hộ gia đình. Điều này sẽ giúp thương hiệu gia tăng mức độ kết nối với khách hàng và cung cấp những trải nghiệm kịp thời và chính xác cho tập khách hàng mục tiêu.


2. Các dịp lễ Tết – thời điểm người tiêu dùng Việt nhạy cảm về giá nhất trong năm

Với tình hình kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19, người tiêu dùng Việt sẽ càng nhạy cảm về giá trong dịp Tết 2021. Bà Louise Hawley – Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam – cho biết: Theo báo cáo thị trường năm 2019 của Nielsen, độ co giãn về giá của Việt Nam là âm 2, cao nhất so với các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á. 80% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ nhận thức và biết rõ khi giá thay đổi. Cũng theo bà Louise Hawley, Việt Nam là một thị trường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khuyến mãi. 56% doanh thu của doanh nghiệp được tạo ra từ chương trình khuyến mãi, tuy nhiên, hiệu quả bởi khuyến mãi chỉ có 29%, con số này rất thấp so với mặt bằng chung của toàn cầu là 50%. Liên quan đến vấn đề giá, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Phát triển Kinh doanh Kantar Vietnam World Panel – nhận định: Tuy tại Việt Nam, người dân có trạng thái lạc quan hơn nhưng thu nhập của họ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giá cả hàng hoá do đó cũng trở thành vấn đề nhạy cảm hơn.

Người tiêu dùng Việt Nam rất nhạy cảm về giá

Đứng trước vấn đề này, việc các doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn về giá cả và khuyến mãi là vô cùng cần thiết. Trước tình hình này, việc loại bỏ hay thậm chí giảm bớt các khuyến mãi là rất khó, vì vậy các doanh nghiệp nên có kế hoạch đầu tư đa kênh và tăng trải nghiệm khách hàng để thúc đẩy tối đa doanh số. Ông Trần Quốc Toản – Giám đốc Điều hành công ty quảng cáo Adsota – cho biết: Việc tối ưu trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên kênh bán lẻ trực tuyến đồng thời vẫn liên kết chặt chẽ với điểm bán là một yếu tố cần được chú trọng. Tạo ra trải nghiệm tốt sẽ luôn là lời mời mua hàng thuyết phục nhất từ nhãn hàng. Ví dụ: Các khách hàng có thể kiểm tra tình trạng sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, đặt trước sản phẩm theo nhu cầu và đến lấy tại cửa hàng, hay việc mang đến những trải nghiệm về sự an toàn, cẩn thận khi làm dịch vụ... Điều này sẽ thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp tới các yêu cầu về an toàn trước ảnh hưởng của đại dịch, nâng cao sự tin tưởng và sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.

Các hoạt động digital marketing cũng cần được lên kế hoạch tỉ mỉ để tiếp cận và tương tác với nhiều khách hàng nhất có thể. Bởi lẽ Tết là thời điểm phổ biến nhất để các nhà sáng tạo đăng tải các nội dung mới và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, các nội dung dưới dạng video đang rất được ưa chuộng bởi người dùng Việt. Theo Google, việc tìm kiếm nội dung liên quan đến Tết trên YouTube tăng tới 8 lần và một nửa top 10 video trên Youtube được hợp tác sản xuất bởi các thương hiệu và các nhà sáng tạo nội dung. Ngoài ra, công cụ livestream nói chung và game livestream nói riêng cũng đang dần khẳng định chỗ đứng trong các chiến dịch marketing.

3. Mặt hàng thiết yếu và vấn đề về sức khỏe sẽ “lên ngôi” trong dịp Tết 2021

Trong dịp Tết, người tiêu dùng Việt thể hiện rõ nhu cầu cao hơn đối với các mặt hàng thiết yếu. Theo Sở Công thương Hà Nội, cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, hoạt động kinh doanh thương mại sẽ rất sôi động, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 3-20% theo từng nhóm hàng. Ngoài ra, số liệu từ Capgemini cũng cho biết có tới 52% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ có xu hướng mua sắm nhiều đồ dùng thiết yếu hơn là những mặt hàng cao cấp. Đồng thời, vấn đề sức khoẻ cũng sẽ chiếm ưu thế trong lựa chọn mua sắm của khách hàng sau khoảng thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo báo cáo Vietnam’s Search for Tomorrow 2020 do Google phát hành, có tới 62% người dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn những đồ uống nhanh nhưng cũng có lợi cho sức khoẻ. Cụ thể, so với năm ngoái, lượt tìm kiếm cho thực phẩm hữu cơ tăng 30%, sản phẩm ít đường tăng 100% và bia không cồn tăng tới 250%. Như vậy, yếu tố an toàn và tốt cho sức khoẻ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn và quyết định mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết

Nắm bắt được những tâm lý này của khách hàng sẽ giúp các thương hiệu xác định được danh mục sản phẩm nên được ưu tiên trong mùa lễ tết và cách quảng bá chúng. Việc lên kế hoạch sớm cho chiến dịch và liên tục cập nhật phản hồi của khách hàng cũng vô cùng quan trọng. Ví dụ: khi phát động một chiến dịch chào năm mới 2021 từ tháng 12/2020, nhưng phản hồi thu về lại không như mong đợi, doanh nghiệp cần nhanh chóng phân tích những dữ liệu và thông tin đã thu được nhằm đưa ra giải pháp kịp thời và chuyển hướng chiến dịch trong thời gian ngắn nhất.

Nguồn: Brands Vietnam

Học viện Haravan - Chia sẻ kiến thức kinh doanh online đa kênh

Bài viết liên quan: